Khám phá ngôi nhà đất sét được làm từ kỹ thuật in 3D đầu tiên trên thế giới

Ngôi nhà in 3D đầu tiên trên thế giới được làm hoàn toàn từ đất sét đã xuất hiện tại Italia. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong công cuộc giải quyết khủng hoảng nhà ở mà thế giới đang phải đối mặt.

Kiến trúc độc lạ: Ngôi nhà đất sét được làm từ kỹ thuật in 3D

Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu kiến trúc có thể hỗ trợ như thế nào trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở và giúp xây dựng một tương lai bền vững hơn cho ngành xây dựng?

Ở thị trấn nhỏ Massa Lombarda, phía Tây Ravenna, Italia, công ty kiến trúc Mario Cucinella Architects đã hoàn thành bản nguyên mẫu cho một ngôi nhà có thể đáp ứng cả hai mục đích này.

Ảnh: CNN

Kiến trúc sư Mario Cucinella, hợp tác với World’s Advanced Saving Project (WASP), đã thực hiện kết hợp một số công nghệ hiện đại với các vật liệu xây dựng nhà ở lâu đời để cho ra đời thành tựu có tên là “Tecla”.

Lấy cảm hứng từ “những thành phố vô hình” trong tiểu thuyết của nhà văn Italo Calvino, tòa nhà Tecla bao gồm hai mái vòm hình tròn, được liên kết với nhau bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương và gần như không phát thải.

Ảnh: CNN

Trong đó, điểm nhấn là chất liệu đất sét được sử dụng để làm các bức tường dày 350 lớp và lớp vỏ cong có thể phân hủy sinh học. Đặc biệt, đất sét cũng đóng vai trò như một hàng rào cản nhiệt vô cùng hiệu quả cho tòa nhà.

Công trình kiến trúc độc lạ này có diện tích khoảng 60m2 với chiều cao hơn 4m, bao gồm một phòng khách, một nhà bếp, một khu vực ban đêm và một phòng tắm. Để hoàn thành tòa nhà, các kiến trúc sư cần 200 giờ in, 7.000 mã máy và chỉ 60m3 vật liệu tự nhiên.

Ảnh: CNN

Ảnh: CNN

Ông Massimo Moretti, Người sáng lập WASP, cho biết: “Ngày nay, chúng ta có đủ kiến ​​thức để xây dựng một tòa nhà chỉ bằng một cú nhấp chuột đơn giản. Công nghệ hiện đang phục vụ tối đa cho nhu cầu xây dựng nhà ở của con người”.

Việc xây dựng bằng công nghệ này có một số hạn chế so với cách truyền thống, cụ thể là in bằng đất sét sẽ chậm hơn vì có thể mất vài tuần để đất khô và không bền vững đối với các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, những lo ngại này dường như ít quan trọng khi có 1,6 tỷ người trên thế giới hiện đang thiếu nhà ở đầy đủ.

Để giải quyết thách thức đó, các phiên bản được in trong tương lai của ngôi nhà dự kiến sẽ được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện khí hậu ở nơi nó được xây dựng.

Ảnh: CNN

Đại diện đơn vị thiết kế cho biết: "Chúng tôi sẽ không sản xuất một kiểu nhà ở tất cả mọi nơi. Một điều hiển nhiên là sẽ có sự khác biệt trong việc xây dựng một ngôi nhà ở phía Bắc Italia so với ở Trung Phi hay Nam Mỹ”.

Ông nói thêm: “Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói đây sẽ là tương lai của tất cả các ngôi nhà trên hành tinh, vì các quốc gia như Trung Quốc sẽ không thể giải quyết tình trạng quá tải dân số ở các thành phố của họ chỉ bằng nhà ở từ đất sét”.

Song, ông đánh giá rằng, cuộc cách mạng của công nghệ in 3D mang đến cho mọi người một mức độ tự do trong cách thực hiện mọi thứ mà không cần kết nối với một ngành công nghiệp lớn và chuyên nghiệp, theo trang Independent.

Ảnh: CNN

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.