Đại học Kyoto và Công ty Kajima Construction (Nhật Bản) đã bắt tay vào nghiên cứu và phát triển dự án kiến trúc độc lạ ngoài không gian mang tên “The Glass”, theo trang Design Boom.
Đây được đánh giá là một kế hoạch đầy tham vọng với việc cho ra đời một kiến trúc hình trụ có trọng lực nhân tạo, được xây dựng với mục đích mang lại không gian sinh sống an toàn bên ngoài vũ trụ cho con người.
Từ các video mà nhóm nghiên cứu công bố trong cuộc họp báo vào ngày 6/7, có thể thấy, công trình kiến trúc này có thiết kế vô cùng hoàn chỉnh, giúp tối ưu hóa nhu cầu và thói quen của con người y hệt như cuộc sống trên Trái đất.
Các nhóm nghiên cứu tin rằng, việc sống ngoài không gian giờ đã “nằm trong tầm tay”. Tuy nhiên, NASA lại coi vi trọng lực (trọng lực thấp) là một vấn đề quan trọng đối với con người khi sống bên ngoài Trái đất.
Hiện, nghiên cứu về vi trọng lực chỉ giới hạn trong việc duy trì cơ thể, trong khi tác động của nó đối với sự sinh ra và tăng trưởng của trẻ em vẫn chưa được làm rõ.
Nếu không có trọng lực, động vật có vú có thể không được sinh ra thành công, và ngay cả khi chúng có thể được sinh ra, chúng sẽ không thể phát triển bình thường như mong đợi trong điều kiện vi trọng lực.
Do đó, nhóm nghiên cứu kỳ vọng, kiến trúc trọng lực nhân tạo của họ có thể tạo ra lực hấp dẫn tương đương với môi trường Trái đất bằng cách sử dụng lực ly tâm do chuyển động quay trong không gian, bề mặt Mặt trăng và bề mặt Sao Hỏa, trở thành công nghệ cốt lõi để con người tiến vào vũ trụ.
Thông qua kiến trúc sử dụng nhiên liệu trọng lực nhân tạo này, con người có thể sinh nở, nuôi dạy con cái và duy trì một cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt là có thể quay trở lại Trái đất bất cứ lúc nào.
Cho đến nay, kế hoạch di cư vào không gian của các nhóm nghiên cứu Nhật Bản chỉ tập trung vào việc đảm bảo không khí, nước, thực phẩm và năng lượng - những thứ chủ yếu để con người tồn tại trong quá trình di cư.
Họ lý luận rằng, khi nghĩ về cuộc sống bên ngoài Trái đất, họ cũng phải xem xét một kế hoạch dựa trên cách các hệ thống xã hội tồn tại trong môi trường thiên thể, cho phép quần áo, thực phẩm và nhà ở xuất hiện để hình thành một xã hội đầy đủ.
Về giao thông công cộng, các nhóm hướng tới phát triển hệ thống Hexatrack - một hệ thống giao thông liên hành tinh có thế kết nối Trái đất, Mặt trăng và Sao Hỏa, đồng thời giúp con người có thể duy trì sóng 1G ngay cả khi di chuyển đường dài.
Các nhóm nghiên cứu thậm chí đã bắt đầu đặt tên cho các trạm, gồm trạm Mặt trăng có tên là Luna Station, trạm Sao Hỏa là Mars Station, và Trạm Trái đất là Terra Station - trạm không gian kế thừa của ISS.
Ông Yosuke Yamashiki, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ có Người lái SIC và Trường Cao học Nghiên cứu Tích hợp Nâng cao tại Đại học Kyoto đánh giá, ba “trụ cột” mà họ đề xuất là những công nghệ cốt lõi.
Ông cho biết, cả ba đều không nằm trong kế hoạch phát triển của các quốc gia khác và không thể thiếu để đảm bảo việc hiện thực hóa cuộc sống trong không gian của con người trong tương lai.
Takuya Ohno, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Kajima Construction, chia sẻ, ông rất biết ơn khi có thể tham gia nghiên cứu dự án này. Ông nhận định rằng, dự án có thể là một bước ngoặt giúp con người sinh sống và du lịch ngoài vũ trụ một cách dễ dàng trong tương lai không xa.