Hiến đất làm đường vốn là một phong trào ý nghĩa, được hoan nghênh tại nhiều địa phương. Đây là hành động người dân tự nguyện hiến một phần diện tích đất của gia đình để mở rộng, nâng cấp đường đi chung, làm hoàn thiện hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm; giúp cho việc đi lại của người dân được thông suốt hơn.
Tuy nhiên thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện những biểu hiện biến tướng của việc hiến đất làm đường, nhằm mục đích phân lô trục lợi.
Đơn cử như tại Lâm Đồng, theo kết luận số 1136 của Thanh ra tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 11/10, thời gian qua, một số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP Bảo Lộc đã tự đầu tư hạ tầng như mở đường, dựng trụ điện, nhằm mục đích phân lô, tách thửa. Các lô đất này được đặt tên và đăng tin quảng cáo, hô biến thành các “dự án bất động sản” nhằm thu hút người mua. Đáng chú ý, một số trường hợp còn tiếp tục xây dựng công trình trên đất đã hiến.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận bản chất của các trường hợp “hiến đất” và tự mở đường trên địa bàn thời gian qua chủ yếu là để đủ điều kiện tách thửa, nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, không phải là để phục vụ lợi ích công cộng, không thuộc đối tượng Nhà nước khuyến khích.
Các cá nhân đã tự ý xây dựng đường giao thông không tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục về xây dựng; tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp… Tại thời điểm thanh tra, toàn bộ diện tích đất được các cá nhân hiến đất làm đường (đã hình thành các con đường) chưa được chính quyền địa phương "nhận hiến" và đưa vào quỹ công để quản lý.
Việc hình thành các con đường không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương đã gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất đã được duyệt, làm giảm hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch.
Không riêng Lâm Đồng, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng có tình trạng người dân "hiến đất" nhằm mục đích dễ bề tách thửa, chuyển mục đích đất ở để phân lô, bán nền.
Điển hình như một trường hợp tại thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, theo Người lao động, một cá nhân gửi đơn đến chính quyền địa phương xin hiến một phần đất trồng cây hằng năm thuộc thửa đất rộng hơn 600 m2 (gồm cả đất ở) để mở đường.
Sau khi UBND huyện Phù Mỹ ban hành quyết định thu hồi đất, cá nhân tự bỏ tiền túi ra làm đường với diện tích đã "hiến" rồi thực hiện chuyển mục đích sử dụng toàn bộ diện tích còn lại của thửa đất sang đất ở, làm giá trị thửa đất tăng lên gấp nhiều lần. Tiếp đó, cá nhân làm thủ tục tách thửa đất ở có diện tích lớn thành nhiều lô nhỏ để phục vụ cho việc chuyển nhượng.
Trước tình trạng người dân "tích cực" gửi đơn đến chính quyền địa phương xin hiến đất mở đường với mục đích như trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương các cấp khẩn trương kiểm tra, nơi nào phê duyệt tách thửa theo điều kiện hiến đất để trục lợi chính sách như trên phải kiên quyết xử lý.
Tình trạng tương tự cũng được phát hiện tại tỉnh Kon Tum vào cuối năm 2020, theo kết luận thanh tra số 2963 về việc xây dựng nhà ở thương mại, phân lô, bán nền trái pháp luật do Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký ngày 12/8/2020, có tình trạng hiến đất làm đường giao thông tự mở để phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở với mục đích thương mại. Đã có rất nhiều nhà ở và các công trình xây dựng khác được xây dựng trên đất có nguồn gốc nông nghiệp trong giai đoạn từ 2012.
Nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương các thời kỳ từ 2012 - 2019, cán bộ Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Kon Tum đã bị cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc cách chức do liên quan đến việc các cá nhân hiến đất để mở đường trái quy định này.
Như kết luận mà Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra, việc hiến đất làm đường sai quy định rồi phân lô, bán nền sẽ tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch. Có tình trạng các diện tích đất này được rao bán dưới hình thức "dự án bất động sản" để lừa đảo người mua.
Tuy nhiên có một thực tế là, bên cạnh những nhà đầu tư cả tin, vẫn có những nhà đầu tư dù biết rõ không phải đất dự án vẫn xuống tiền đầu tư, với hy vọng sẽ đạt được lợi nhuận cao.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đức Lê - nhà đồng sáng lập Remaps (nền tảng thông tin quy hoạch, thị trường BĐS) cho rằng, vốn dĩ việc phân lô được Nhà nước cho phép để giải quyết các vấn đề nhân sinh như cha mẹ muốn chia đất cho con cái, hoặc cắt miếng đất nhỏ để bán lấy vốn làm ăn. Tuy nhiên, biến tướng xảy ra khi các công ty bất động sản cũng đi làm phân lô mà không lập dự án theo đúng quy định.
Nhiều người không hiểu được rủi ro, tin vào chủ đất nên mua những bất động sản như vậy từ khi miếng đất chưa có sổ và gặp rủi ro pháp lý.
Còn anh Nguyễn Minh Xuân, nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm tại Đà Nẵng cho biết, hình thức phân lô bán đất nền như vậy không mới, đặc biệt là ở khu vực vùng ven của các trung tâm kinh tế, thành phố lớn và dễ tạo nên cơn sốt đất theo kiểu tiêu cực.
Tình hình này nếu diễn ra tràn lan dễ dẫn đến nhiều hệ lụy và sai phạm, điển hình như trường hợp của Alibaba và rất nhiều công ty khác.
Một số cá nhân đánh vào tâm lý muốn sở hữu bất động sản của người dân, tạo ra sản phẩm mang tính đầu cơ (mua đi bán lại kiếm lời) hơn là nhu cầu thực. Nếu xảy ra trường hợp sai phạm thì nhà đầu tư là người chịu thiệt nhất.
"Sai kết cấu quy hoạch, cấu trúc dân cư, giao thông, tiện ích thì trường hợp xấu nhất là công trình bị tháo dỡ, cưỡng chế.
Do đó các nhà đầu tư nếu thấy bất động sản chưa rõ pháp lý, giá cả sốt nóng, tiện ích còn thiếu thì không nên vội vã xuống tiền. Nhà đầu tư nên tìm tới phòng Tài nguyên & Môi trường hoặc tham khảo hướng dẫn của những chuyên gia cũng như người có kinh nghiệm để tránh rủi ro", anh Xuân chia sẻ.
Ngày 29/11, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản theo các nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, như: Có khoảng 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục và chào bán rầm rộ; ở Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích từng dự án lại lớn hơn, có nhiều dự án sát rừng; những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những đại dự án có diện tích hơn 10 ha, thậm chí 41 ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong Trung tâm TP Bảo Lộc; vi phạm nghiêm trọng về kinh doanh bất động sản...
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản về Thanh tra Bộ Xây dựng trước ngày 6/12/2021 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.