Ngày 1/11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định số 40/2021 quy định điều kiện tách, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh; thay thế cho quyết định số 04/2021 ban hành trước đó.
Theo đó, tùy vào từng vị trí, quy hoạch, mục đích sử dụng đất và loại kiến trúc xây dựng trên đất mà diện tích tối thiểu được phép tách thửa sẽ khác nhau.
Đơn cử, đối với đất ở đô thị, nhà phố cần có diện tích tối thiểu là 40 m2 và các kích thước cạnh tiếp giáp đường chính ít nhất là 10 m hoặc đường hẻm là 4 m.
Đất xây nhà liền kề có sân vườn phải có diện tích tối thiểu là 72 m2 và các kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất là 4,5 m đối với đường chính; tại các đường hẻm diện tích tối thiểu là 64 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất là 4 m.
Đối với nhà biệt lập, cần có diện tích đất tối thiểu là 250 m2 và các kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất là 10 m đối với đường chính; tại các đường hẻm diện tích tối thiểu là 200 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất là 10 m.
Biệt thự cần có diện tích đất tối thiểu là 400 m2 và các kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất 12 m đối với đường chính; tại các đường hẻm diện tích cần có diện tích ít nhất 250 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất là 10 m.
Trường hợp thửa đất tiếp giáp với đường giao thông chưa có quy định các dạng kiến trúc nhà ở thì thửa đất sau khi tách phải có cạnh tiếp giáp đường; đồng thời diện tích và kích thước tối thiểu theo quy định đối với biệt thự.
Đối với đất ở nông thôn, trường hợp có quy định dạng kiến trúc nhà ở theo quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới thì diện tích tách thửa theo quy định dạng kiến trúc của quy hoạch đó.
Trường hợp chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích tách tối thiểu ít nhất là 72 m2 và kích thước cạnh tiếp giáp đường ít nhất là 4,5 m.
Đối với thửa đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500 m2 tại khu vực đô thị và 1.000 m2 tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, còn có quy định cụ thể về điều kiện tách thửa đối với thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác.
Quyết định số 40/2021 được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành trước tình trạng phân lô bán nền trên địa bàn TP Bảo Lộc ngày càng phức tạp.
Cụ thể, theo thông báo kết luận thanh tra số 1136 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 11/10, có hiện tượng một số cá nhân lợi dụng việc hiến đất mở đường để hợp thửa, tách thửa, chuyển mục đích và phân lô nhằm mục đích chuyển nhượng, hưởng lợi nhưng không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan.
Trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin, quảng cáo về các dự án bất động sản nhưng thực chất đây đều là các dự án "ma", do một số đối tượng môi giới tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua.
Một số trường hợp, người sử dụng đất đã hiến đất, sau đó lại có hành vi lấn chiếm, tiếp tục xây dựng công trình, làm hàng rào, xây dựng nhà bảo vệ. Từ đó cho thấy bản chất của việc hiến đất chủ yếu nhằm mục đích phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân, không phải để phục vụ lợi ích công cộng, không thuộc đối tượng được Nhà nước khuyến khích.
Các cá nhân tự ý xây dựng đường giao thông, công trình công cộng không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục về xây dựng, không có hồ sơ thiết kế, nghiệm thu công trình hoàn thành...
Bên cạnh việc người dân tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp không đúng quy định, việc cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào đơn xin hiến đất để ghi nhận hiện trạng đường giao thông vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm. Điều này đã tạo điều kiện cho tình trạng hiến đất, xây dựng đường giao thông không theo quy hoạch phát triển giao thông của thành phố.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng đánh giá, việc hình thành các con đường không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương đã gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất và làm giảm hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, điều này còn tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch.
Nhờ lợi thế về điều kiện khí hậu, môi trường cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt, Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng là thị trường ưa thích của nhiều nhà đầu tư. Bà Lê Thắm, Phó Giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt cho biết, thị trường này chưa bao giờ hết "nóng", luôn có các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhận thấy được tiềm năng và sẵn sàng đầu tư vào thị trường này. Do vậy giá bất động sản tại địa bàn TP Đà Lạt chưa bao giờ xuống và có xu hướng đi lên.
Với tình hình tách, hợp thửa đất diễn biến phức tạp thời gian qua, hồi đầu tháng 6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa đất cho đến khi có thông báo mới.
Bởi vậy, quy định mới về việc tách thửa đất do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của người dân và các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này.
Ông T.L. (Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho biết, ở Lâm Đồng giờ đi đâu cũng thấy phân lô bán nền và người dân nói chuyện về đất đai. Những khu đất có đường, bằng phẳng hoặc view đẹp đều được nhà đầu tư mua phân lô. Mỗi lô có diện tích khoảng 5 - 7 m × 25 - 50 m.
"Quy định mới về điều kiện tách thửa sẽ "siết" hoạt động phân lô đất quy hoạch nông nghiệp, diện tích một lô cần lớn hơn. Tôi nghĩ điều này là hợp lý, vì dân thành phố mua đất vùng quê để nghỉ dưỡng cũng muốn có khu vườn phía sau trồng rau, trồng hoa chứ không đơn thuần là những mảnh đất nhỏ chỉ đủ để xây nhà ống", ông L. nêu quan điểm
Đồng quan điểm, chị P.L. (nhà đầu tư, TP HCM) lo ngại việc phân nhỏ lô đất từ 5 x 7 m thì chỉ có thể xây những công trình siêu nhỏ. Bảo Lộc có quỹ đất rộng, nên với tình hình phân lô bán nền chia nhỏ như vậy thì sau này mật độ xây dựng sẽ rất lớn. Không còn thích hợp nghĩ dưỡng nữa.
Theo báo cáo thị tường bất động sản quý III của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại Đà Lạt, giá đất khu vực trung tâm dao động từ 200 - 500 triệu đồng/m2. Trong bán kính 5 - 10 km từ trung tâm, giá thổ cư dao động từ 10 - 100 triệu đồng/m2.
Đất nền tại các huyện vùng ven Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà (những huyện có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng) dao động từ 800.000 - 5 triệu đồng/m2 đối với đất không thổ cư, có sổ hồng. Đất thổ cư có giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/m2, là cơ hội cho các nhà đầu tư ít vốn, chỉ từ 400 triệu đến dưới 2 tỷ đồng/lô diện tích 100 m2.