UBND huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng khẳng định không có doanh nghiệp đầu tư dự án BĐS trên địa bàn

UBND huyện Bảo Lâm khẳng định thời gian qua chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn. UBND huyện chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí liên tục đưa tin về các vấn đề liên quan đến những công trình, dự án bất động sản trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ngày 23/11, UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản thông tin về những vấn đề này.

UBND huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng: Không có doanh nghiệp đầu tư dự án BĐS trên địa bàn - Ảnh 1.

Theo phản ánh, nhiều quả đồi dọc các con đường lớn nhỏ ở huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc đã bị "cạo trọc". (Ảnh: VTC News).

Chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn

Trong văn bản phúc đáp báo chí, UBND huyện Bảo Lâm cho biết, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn. Thời gian qua, UBND huyện chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, trên địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng, Lộc An, Lộc Đức, Lộc Ngãi thời gian qua đã có một số hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài địa phương về mua đất để nghỉ dưỡng và đầu tư, sinh lợi.

Về trường hợp khu đất 41 ha trên địa bàn xã Lộc Quảng đang được công ty Khải Hưng rao bán, qua rà soát, khu vực này được quy hoạch là đất ở nông thôn và có 11 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng với diện tích khoảng 25 ha từ năm 2000 đến nay.

Cụ thể, năm 2000 có một hộ với 3 ha; năm 2018 có hai hộ với  5 ha, năm 2019 có ba hộ gia đình với 7 ha, năm 2020 là 5 hộ gia đình với 9,5 ha... Các hộ gia đình đã thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo quy định.

Văn bản của UBND huyện Bảo Lâm nêu rõ, các khu đất do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên, ủy quyền cho các đơn vị bán hàng. Các đơn vị này tự đặt tên cho khu đất bằng tên nước ngoài và triển khai chào bán trên mạng xã hội. 

Về vấn đề hiến đất của người dân trên địa bàn, theo UBND huyện Bảo Lâm, việc hiến đất chủ yếu là để mở đường giao thông, nhằm thuận tiện trong việc vận chuyển, đi lại. Các tuyến đường mở mới đều đấu nối với đường giao thông nông thôn tại khu vực.

Sau khi hiến đất làm đường giao thông, các trường hợp phù hợp quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch đất ở) và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người dân đã lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập thủ tục tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, được cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Trong đó, việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND huyện khi có đủ điều kiện quy hoạch là đất ở và nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt. Việc tách thửa đất thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tăng diện tích đất ở để thu hút đầu tư 

Bảo Lâm là huyện có diện tích đất tự nhiên lớn với 146.342 ha. Trong đó, có 58.000 ha là diện tích đất nông nghiệp, đất ở chỉ chiếm 0,7% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện và bằng 1,7% diện tích đất nông nghiệp. Trong khi dân số huyện Bảo Lâm là hơn 120.000 người.

Bảo Lâm có điều kiện khí hậu mát mẻ, ôn hòa, có nhiều cảnh quan, diện tích rừng lớn, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đặc biệt dự án đường cao tốc Tân Phú - Đà Lạt dự kiến được khởi công vào năm 2022 sẽ thu hút lượng khách du lịch tới địa phương tăng đột biến. Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực dịch vụ trên địa bàn huyện mới chiếm 15,5%, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 35%. 

"Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế, huyện cần phải có định hướng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành sản xuất theo hướng ưu tiên tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Do vậy để thu hút các nhà đầu tư vào Bảo Lâm thì việc tăng diện tích đất ở, các điểm dân cư trên địa bàn huyện là phù hợp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương", văn bản của UBND huyện Bảo Lâm nêu rõ. 

Huyện Bảo Lâm cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định và kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, thiếu sót nếu có.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.