Bình Phước muốn làm đường kết nối với Đồng Nai đi qua cầu Mã Đà

Đường kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà được Sở GTVT tỉnh nhận định là phương án tối ưu nhất hiện nay.

   Một góc TP Đồng Xoài. (Ảnh: UBND TP Đồng Xoài). 

Báo Bình Phước dẫn thông tin từ Sở Giao thông Vận Tải (GTVT) cho biết, Sở vừa có công văn tham mưu UBND tỉnh về phương án đầu tư tuyến kết nối tỉnh với tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, ngày 5/5, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông Bộ GTVT vừa có công văn đề xuất 3 phương án tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai. 

Phương án 1 là tuyến cầu Mã Đà và qua khu dự trữ sinh quyển. Điểm đầu tuyến tại ĐT.741 (TP Đồng Xoài) đi theo ĐT.753 (30 km) qua suối Mã Đà, đi theo đường Bà Hào - Sân bay Rang Rang (13 km) đến ĐT.761 (18 km), ĐT.767 (18 km) và kết nối với đường Vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 79 km.

Phương án 2.1 là kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú - Bình Dương (Bình Phước) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) nối về đường vành đai 4 (Bình Dương). Hướng tuyến, đi từ TP Đồng Xoài, theo ĐT.753 (15 km) đến tuyến ĐT.741B (Đồng Phú - Bình Dương), đi theo ĐT.741B (21 km) nối với đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (19 km), nối với ĐH.416 (3 km) sau đó đi theo ĐT.746 (1 km), đoạn tuyến cuối đi tránh khu đô thị (12 km) và nối với đường vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 71 km.

Phương án 2.2 là mở mới tuyến từ ĐT.753 đến ĐH.416 nối về đường vành đai 4 ( Bình Dương). Hướng tuyến từ TP Đồng Xoài, theo ĐT.753 (30 km), mở 22 km tuyến mới (đi theo ĐH.501B)  nối vào ĐH.416 (11 km), sau đó đi theo ĐT.746, tuyến cuối đi tránh khu đô thị (12 km) và nối vào đường vành đai 4 (Bình Dương). Tổng chiều dài 75 km.

Phương án 3 là kết nối qua QL.56B về vành đai 4 (Đồng Nai). Hướng tuyến, đi từ TP Đồng Xoài, theo ĐT.753 (30 km), mở 22 km tuyến mới (đi theo ĐH.501B) kết nối vào ĐH.416 (10 km), sau đó đi theo ĐT.746 (đoạn QL56B theo quy hoạch), đi theo ĐT.767 và kết nối vào đường vành đai 4 (Đồng Nai). Tổng chiều dài 105 km.

Phân tích ưu, nhược điểm của các phương án nêu trên, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chọn phương án 1 là tối ưu nhất để kết nối Bình Phước và Đồng Nai. Đây là tuyến ngắn nhất và nhanh nhất đi theo đường hiện hữu, kết nối các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Bình Phước nói riêng đi Sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Các phương án 2 và 3 có nhược điểm là tuyến dài hơn và đi vòng quanh khu dự trữ sinh quyển dọc theo sông Mã Đà và không kết nối trực tiếp với tỉnh Đồng Nai mà phải qua tỉnh Bình Dương.

Trong khi đó, thực trạng và quy hoạch giữa 2 tỉnh đã có 5 trục kết nối chính nên về cơ bản nhu cầu kết nối giữa Bình Phước và Bình Dương đáp ứng nhu cầu. Việc thêm tuyến kết nối sẽ gia tăng thêm áp lực giao thông cho Bình Dương.

Cũng theo Sở GTVT, ĐT.753 từ Bình Phước đi Đồng Nai là tuyến đường đối ngoại quan trọng của tỉnh Bình Phước. Đây là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước đi Sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Tuyến có điểm đầu là TP Đồng Xoài, điểm cuối là cầu Mã Đà (ranh tỉnh Đồng Nai), cầu đã bị đánh sập trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được khôi phục, xây dựng lại. Ngoài ra, hằng năm vào mùa mưa lũ, người dân có nhu cầu lưu thông qua lại khu vực cầu Mã Đà rất khó khăn.

ĐT.753 của Bình Phước kết nối với tuyến ĐT.761 tại cầu Mã Đà và ĐT.767 của tỉnh Đồng Nai ra QL.1 được quy hoạch là tuyến QL.13C đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2021.

Về quy hoạch khu vực triển khai dự án, dọc tuyến ĐT.753 hiện đang được tỉnh quy hoạch khu công nghiệp rộng hơn 2.000 ha. Do đó, nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến Sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải là rất lớn.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.