Bộ Công Thương lên tiếng về trường hợp thoái vốn của VEAM và Sabeco

Phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ thường kì tháng 8 diễn ra hôm 4/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cần tính toán thời điểm nào nên thoái vốn tại VEAM và Sabeco để mang lại lợi ích cao nhất, tránh gây thiệt hại cho nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Cần tính kĩ thời điểm thoái vốn, không phải cứ nhanh là tốt - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của các nhà báo. (Ảnh: VGP/Đoàn Bắc).

Thông tin từ Báo điện tử Chính phủ, chiều 4/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 8/2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Liên quan đến vấn đề nhiều doanh nghiệp nhà nước có tiến độ thoái vốn bàn giao về SCIC còn chậm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ luôn quan tâm việc thoái vốn nhưng phải thoái vốn bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước.

Cụ thể, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có một lần bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% vốn cổ phần. Số tiền thu được khoảng hơn 110.000 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD. Thương vụ này được đánh giá là thành công, vì nếu thoái trong bối cảnh hiện nay thì giá trị thu được sẽ khiêm tốn, thậm chí thiệt hơn.

Hiện nhà nước còn sở hữu 36% vốn tại Sabeco, tương đương khoảng 2.308 tỉ đồng. Tuần trước, Bộ Công Thương đã bàn giao phần vốn này cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để SCIC tiếp tục thực hiện thoái vốn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Quan điểm là khẩn trương thực hiện việc thoái vốn, nhưng việc này cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt."

Với Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM), ông Hải cho biết mặc dù lĩnh vực kinh doanh chính là cơ khí, ô tô, nhưng thu nhập chính của VEAM đến từ các liên doanh mà công ty đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford.

Vốn điều lệ tham gia ba liên doanh chỉ chiếm 7% nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của công ty. Do đó, nếu thoái vốn không cẩn thận, Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7.000 tỉ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30.000 tỉ đồng.

"Vì vậy, Bộ Công Thương dù trước đó đã có quyết định thoái vốn, nhưng sau khi nghiên cứu kĩ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại doanh nghiệp này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu, khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới thoái vốn", ông Hải cho biết.

Tại buổi họp, các phóng viên, nhà báo đề nghị Bộ Tài chính đưa giải pháp trong bối cảnh hoạt động thoái vốn cổ phần chậm làm ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá.

Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết tiến trình thoái vốn chậm trong năm 2020 do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch Covid-19.

Bộ Tài chính hiện đã xây dựng các cơ chế chính sách tài chính, bảo đảm triển khai thuận lợi việc cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, các cơ chế chính sách phát triển thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, UBQLVNNN báo cáo Chính phủ có kế hoạch thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.