Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ GD&ĐT đã trả lời một số câu hỏi, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể.
Cử tri các tỉnh Gia Lai, Lạng Sơn đưa ra kiến nghị: Hiện nay Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chương trình GDPT tổng thể. Nếu chương trình được đưa vào sử dụng thực tế thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sẽ phải được bổ sung, thay thế cho phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới; đội ngũ giáo viên sẽ thay đổi phù hợp với kế hoạch dạy học, các môn học bắt buộc....
Vậy cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ sẽ phải xử lý như thế nào? Đội ngũ giáo viên một số môn trong nhóm các môn học bắt buộc có sự phân hóa sẽ dôi dư hoặc thiếu thì xử lý làm sao trong điều kiện thực hiện Nghị định 108 về tinh giản biên chế, không cho phép tăng biên chế giai đoạn từ nay đến năm 2021.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN. |
Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên như sau:
1. Về cơ sở vật chất: Bộ nhận thức rõ vai trò của cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với quá trình đổi mới CT GDPT. Vì thế, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát tất cả các trường trên phạm vi toàn quốc và nhận diện được những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng cấp học, từng địa phương.
Việc đổi mới CT và SGK tới đây tập trung chủ yếu vào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức dạy học. Đối với các môn học có nhiều thiết bị dạy học, xét về mặt khoa học thì các thiết bị này cơ bản không thay đổi mà thay đổi ở đây sẽ là sắp xếp và tổ chức lại việc khai thác và sử dụng thiết bị cho phù hợp với các môn học.
Đối với cơ sở vật chất hiện có, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có; kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.
Sử dụng triệt để các trang thiết bị dạy học hiện có, chỉ mua sắm bổ sung các trang thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học chứ không phải mua sắm lại toàn bộ. Việc mua sắm bổ sung cũng sẽ tính đến việc trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Việc đổi mới CT sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm. Vì vậy, việc mua sắm thiết bị cũng thực hiện theo đúng lộ trình của đổi mới CT, SGK, khi áp dụng CT mới ở lớp nào thì mới trang bị thiết bị dạy học cho lớp đó và được thực hiện cuốn chiếu theo từng năm học.
Cùng với đó, để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các yếu tố cần thiết cho việc thực hiện CT, SGK mới, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Theo đó, Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất.
Trong giai đoạn tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, quy chuẩn về trường, lớp học, phù hợp với yêu cầu của CT giáo dục để các địa phương có cơ sở, căn cứ thực hiện đầu tư, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ các địa phương khó khăn.
Để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường cơ sở vật chất trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho CT giáo dục mầm non và GDPT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Lộ trình thực hiện Đề án được xây dựng đồng bộ từ trung ương đến các địa phương và đồng bộ với lộ trình thực hiện CT, SGK mới; Đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để các địa phương huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học thực hiện được CT, SGK mới.
2. Về đội ngũ giáo viên: Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở đào tạo, trong đó có các trường, khoa sư phạm; tiếp tục soạn thảo và trình Chính phủ 2 Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”; “Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQLGD; ưu tiên xây dựng đội ngũ giáo viên và CBQLGD cốt cán và đội ngũ chuyên gia; ưu tiên bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và CBQLGD đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chú trọng tạo sự công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập.
Bộ GD&ĐT đang rà soát, xây dựng các chuẩn/tiêu chuẩn nhà giáo và CBQL các cấp để làm căn cứ đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên và xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên đồng thời với lộ trình triển khai CT GDPT mới; phối hợp với Chương trình ETEP lập danh sách và triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên phổ thông cốt cán và CBQL phổ thông cốt cán phục vụ triển khai kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên, CBQL cơ sở GDPT theo chuẩn mới và đáp ứng yêu cầu thực hiện CT GDPT mới.
Bộ GD&ĐT tập trung đổi mới tổ chức, hình thức, phương pháp thi kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo theo lộ trình khoa học với các bước đi phù hợp. Theo đó, đổi mới tổ chức, hình thức, phương pháp thi kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai đồng bộ với đổi mới chương trình, nội dung, cách thức tổ chức dạy học. Lộ trình này đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh tư liệu. |
Kế thừa thành tựu đạt được trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia các năm 2015, 2016 đồng thời thực hiện những điều chỉnh để khắc phục những hạn chế bất cập trong thi và tuyển sinh theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, giảm áp lực, tốn kém đồng thời tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh, đề xuất các giải pháp quan trọng, đảm bảo việc tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và phục vụ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong những năm tới, cụ thể:
- Tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố do sở giáo dục và đào tạo chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Với bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét và phần mềm máy tính. Phương thức thi này là giải pháp kỹ thuật đảm bảo cho kết quả kỳ thi khách quan, tin cậy hơn, loại trừ hầu hết tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi.
- Đề thi năm 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm ít nhất 60%) và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Nội dung thi năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nằm trong chương trình cấp THPT. Trước Kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo để giáo viên, học sinh có kế hoạch dạy học, ôn tập hiệu quả, không gây bỡ ngỡ đối với thí sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được tổ chức thành công với vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nhất là tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối hợp, chia sẻ của các sở giáo dục và đào tạo, các trường ĐH, CĐ, sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, công tác tổ chức thi theo cách thức mới này đã đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm tới với những điều chỉnh hợp lý về mặt kỹ thuật, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông.
Chậm toàn diện, chương trình giáo dục phổ thông mới phải lùi hạn
Chiều 2/11, Quốc hội xem xét, thảo luận về việc Chính phủ xin điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo ... |
Giáo dục 01:56 | 23/06/2018
Giáo dục 23:00 | 22/06/2018
Giáo dục 12:00 | 22/06/2018
Giáo dục 23:00 | 20/06/2018
Giáo dục 12:00 | 20/06/2018
Giáo dục 23:00 | 18/06/2018
Giáo dục 23:00 | 15/06/2018
Giáo dục 12:00 | 15/06/2018