Ga Hà Nội |
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Đồ án này nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch của đơn vị tư vấn là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ-Nhật Bản (viết tắt là NSC), vị trí quy hoạch sẽ thuộc địa giới hành chính các quận Đống Đa (các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên), quận Hoàn Kiếm (phường Cửa Nam), quận Ba Đình (phường Điện Biên), quận Hai Bà Trưng (phường Nguyễn Du).
Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1 ha; với tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).
Ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo.
Quy hoạch cũng chia 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch, khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40 - 60 tầng, bố cục ở phía tây nam khu đất lập quy hoạch, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 60 tầng, khu ga đường sắt cao 40 - 70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch…
Điểm nhấn của đồ án là các công trình cao từ 100 - 200 m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn khoảng 23.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, đồ án gặp giới hạn bởi việc xây dựng công trình cao tầng 200 m tại khu vực hồ Linh Quang thuộc thu vực nội đô lịch sử, gần di tích quốc gia cấp đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu vực không cho phép xây dựng công trình mới có nhà ở cao tầng. Đồ án cũng làm tăng quy mô dân số khu vực nội đô lịch sử dự kiến từ 800.000 người lên 824.000 người.
Càng gây tắc nghẽn
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho rằng cần phải làm rõ việc khu vực ga Hà Nội có cần xây dựng khu tài chính, thương mại, khu lối sống mới, nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 70 tầng không?. Theo ông Liêm, thứ khu vực ga Hà Nội thiếu là công viên, công trình văn hóa phục vụ đời sống người dân trong khu vực.
Đặc biệt, khu vực ga Hà Nội là đất vàng, đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng. Hiện nay, khu vực này đang bị ùn tắc, nếu xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng thì càng làm tắc nghẽn hơn.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc quy hoạch các khu cao tầng tại mảnh đất vàng này là chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bất động sản, mà không có lợi nhiều cho chủ trương giãn dân nội đô của Hà Nội.
Đề xuất xây công trình cao 40-70 tầng tại khu vực ga Hà Nội Theo đề xuất ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại thành ga trung tâm tàu khách, tàu liên vận và đường sắt đô thị. ... |