Bộ GTVT được giao vốn kỷ lục, trung bình mỗi năm rót 80.000 tỷ vào loạt cao tốc, cảng biển, hàng không

420.000 tỷ đồng là số vốn cao kỷ lục mà Bộ GTVT được giao để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận áp lực giải ngân là rất lớn.
Bộ GTVT được giao vốn kỷ lục, trung bình mỗi năm rót 80.000 tỷ vào loạt cao tốc, cảng biển, hàng không - Ảnh 1.

Bộ GTVT được bố trí 420.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. (Đồ họa: Anh Đào. Ảnh nguồn: TTXVN).

Mới đây, trả lời phỏng vấn của TTXVN, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn 2021-2025, ngành giao thông được bố trí 420.000 tỷ đồng, Bộ sẽ phải giải ngân mỗi năm khoảng 80.000 tỷ đồng, đây là áp lực giải ngân rất lớn.

Trước đó năm 2021, Bộ GTVT được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 43.000 tỷ đồng và đã giải ngân đạt mức 96%, hoàn thành kế hoạch được Chính phủ giao.

Được giao vốn kỷ lục, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ khởi công hàng loạt dự án giao thông quan trọng. Đáng chú ý phải kể đến 12 dự án cao tốc Bắc - Nam khởi công năm nay. 

12 dự án thành phần có chiều dài khoảng 729 km, được đầu tư công với tổng vốn 146.990 tỷ đồng. Các dự án sẽ được giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe, riêng dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau quy mô 4 làn xe. 

Bộ GTVT được giao vốn kỷ lục, trung bình mỗi năm rót 80.000 tỷ vào loạt cao tốc, cảng biển, hàng không - Ảnh 1.

12 dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư công. (Đồ họa: Alex Chu).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết 12 dự án cao tốc này phải đầu tư công vì cần phục hồi kinh tế, tăng cường kết cấu hạ tầng nên kinh phí đầu tư phải đảm bảo tiến độ. Các dự án cao tốc nếu đầu tư bằng PPP rất bấp bênh, thu hút vốn tín dụng và sẽ thất bại. Do đó, việc chuyển các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn tới sang đầu tư công để hoàn thành cao tốc vào 2025. 

Bộ đã trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương ban hành cơ chế cho phép chỉ định thầu, tư vấn giảm được 3-4 tháng. Cơ chế này cũng rút ngắn 6-9 tháng tập trung cho công tác xây lắp và phê duyệt bàn giao giải phóng mặt bằng, cố gắng đầu năm 2022-2023 khởi công để hoàn thành vào năm 2025.

Bộ GTVT được giao vốn kỷ lục, trung bình mỗi năm rót 80.000 tỷ vào loạt cao tốc, cảng biển, hàng không - Ảnh 2.

Dự án sân bay Long Thành là một trong những dự án trọng điểm. (Ảnh: ACV).

Ngoài 12 dự án cao tốc Bắc Nam, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11/2021, Bộ trưởng GTVT cũng cam kết phối hợp cùng các bộ ngành đưa sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào vận hành năm 2025.

Theo chủ trương được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2015, sân bay Long Thành được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. 

Dự án được chia làm 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư khái toán là 336.600 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Trong đó, riêng giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Lễ khởi công giai đoạn 1 đã được tổ chức vào tháng 1/2021.

Giai đoạn 5 năm, Bộ GTVT còn tập trung làm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP HCM. Dự án đường vành đai 4 Thủ đô dài hơn 100 km, đi qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Bộ GTVT được giao vốn kỷ lục, trung bình mỗi năm rót 80.000 tỷ vào loạt cao tốc, cảng biển, hàng không - Ảnh 3.

Dự án vành đai 4 Hà Nội dài hơn 100 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. (Đồ họa: Alex Chu).

Trong khi đó, vành đai 3 TP HCM dài gần 92 km, chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án chia làm 4 đoạn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22, quốc lộ 22 - Bến Lức. Dự kiến toàn bộ dự án hoàn thành vào năm 2026.

Bộ GTVT được giao vốn kỷ lục, trung bình mỗi năm rót 80.000 tỷ vào loạt cao tốc, cảng biển, hàng không - Ảnh 4.

Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vành đai 3 TP HCM vào năm 2026. (Đồ họa: Alex Chu).

Bên cạnh hai tuyến vành đai ở Hà Nội và TP HCM, dự kiến Bộ GTVT còn triển khai làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

5 năm 2021-2025, nhiều dự án nhóm A cũng được đầu tư bao gồm 4 dự án PPP cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú, Chơn Thành - Đức Hòa,  An Hữu - Cao Lãnh; dự án cầu Rạch Miễu 2; dự án vốn ODA cầu Đại Ngãi, mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, cao tốc Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai,

Về lĩnh vực hàng hải, trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP HCM hôm 10/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ còn tập trung đầu tư cảng Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) thành cảng lớn nhất miền Bắc. Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Hải Phòng làm quy hoạch chi tiết. 

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đầu tư cảng Trần Đề. Còn phía Đông Nam bộ, Bộ cố gắng đầu tư cảng Cái Mép Hạ; kết nối giao thông để khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải.

Về lĩnh vực hàng không, ông Thể cho biết Bộ phải cố gắng hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành, phối hợp TP Hà Nội báo cáo Chính phủ nâng cấp sân bay Nội Bài lên 100 triệu hành khách mỗi năm. Song song đó, triển khai xây dựng và nâng cấp các sân bay như Côn Đảo, Quảng Trị, Điện Biên.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.