Bộ Giao thông Vận tải vừa đăng công khai nội dung dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46/2016) để kêu gọi góp ý. Thời hạn góp ý kiến từ 1/8 đến 1/10.
Trước đó, ngày 14/6, Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, trong đó có quy định cấm triệt để người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020.
Thời điểm luật được thông qua, nhiều luật sư cho rằng Nghị định 46/2016 phải được sửa đổi để có căn cứ pháp lý cho việc xử phạt hành vi uống rượu lái xe. Nghị định 46 mới chỉ xử phạt người lái xe máy có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép.
Do đó, trong dự thảo nghị định sửa đổi, ban soạn thảo đã bổ sung quy định phạt 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở. Đồng thời, người vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng.
Việc cấm người tham gia giao thông uống rượu bia trở thành vấn đề nóng sau hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc do tài xế không tỉnh táo. (Ảnh: Hải Nam).
Quy định trên nếu được thông qua sẽ tuyệt đối hóa nguyên tắc "đã uống rượu bia, không lái xe", đồng thời chính thức đưa Việt Nam gia nhập những nước xử phạt tài xế (cả xe máy lẫn ôtô) có nồng độ cồn lớn hơn 0.
Hiện nay, luật và các nghị định hiện hành mới chỉ quy định xử phạt người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/l khí thở. Hành vi này bị phạt 1-2 triệu đồng và tước bằng lái xe 1-3 tháng. Như vậy, người lái xe máy vẫn được phép uống rượu bia lái xe nếu lượng cồn chưa vượt ngưỡng.
Ngoài bổ sung mức phạt trên, mỗi cấp độ vi phạm về nồng độ cồn của người đi xe máy đều được đề xuất tăng mức phạt tiền lên gấp 2 đến 4 lần so với nghị định hiện hành.
Cụ thể, nếu nồng độ cồn đo được từ 50 mg đến 80 mg/100 ml máu thì mức phạt là 4-5 triệu đồng (hiện tại chỉ phạt 1-2 triệu đồng), tước bằng lái xe 16-18 tháng (hiện tại tước bằng lái xe 1-3 tháng).
Tăng mức phạt tiền từ 3-4 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng nếu người đi xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu (hoặc 0,4 mg/l khí thở). Hành vi này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng thay vì 3-5 tháng như hiện tại.
Việc tăng mức phạt cũng được đề xuất với tài xế ôtô vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, tăng mức phạt 2-3 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng với hành vi điều khiển ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở. Tăng thời gian tước bằng lái xe lên 10-12 tháng so với 1-3 tháng như hiện nay.
Tăng mức phạt tiền 7-8 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng với hành vi điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/l khí thở. Tước bằng lái xe 16-18 tháng so với 3-5 tháng như hiện nay.
Với mức vi phạm cao nhất (nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở), tài xế ôtô có thể chịu mức phạt 30-40 triệu đồng thay vì 16-18 triệu đồng như hiện nay, đồng thời tước bằng lái 22-24 tháng thay cho 4-6 tháng.