Tăng giờ làm thêm lên gấp đôi hiện tại
Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH thì cần tăng thời giờ làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thêm thu nhập; tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Phần lớn người lao động đều hào hứng với việc được làm thêm ngoài giờ vì điều đó đồng nghĩa với việc được tăng mức thu nhập hàng tháng. (Ảnh báo Hưng Yên) |
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án, cụ thể như sau:
Phương án 1: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 01 ngày và không quá n05 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong 01 năm.
Phương án 2: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong 01 ngày và không quá 05 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Khi hiện tại, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc 36 giờ/tháng; Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Thailand 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines không khống chế.
Hai phương án tuổi nghỉ hưu
Với các lý do: tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng, dân số nước ta đang chuyển sang giai đoạn già hóa dân số, quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO..., tận dụng được nguồn nhân lực lao động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm, nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được nguồn nhân lực lao động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm. (Ảnh minh họa từ ITN) |
Nên dự thảo Luật đưa ra hai phương án tại Điều 187 để xin ý kiến:
Phương án 1 (hiện hành): Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình): Kể từ ngày Bộ luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nhưng cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi.
Ngoài ra, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuối thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định của Chính phủ.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều nay.