'Bỏ quên' ô tô 13 năm, bắt đền 100 triệu đồng: Chủ xe có cơ sở để yêu cầu bồi hoàn giá trị tài sản?

Vụ việc tranh chấp vì bỏ quên ô tô 13 năm ở gara, chủ xe có cơ sở để yêu cầu chủ gara bồi hoàn giá trị tài sản chiếc xe do tự ý bán phương tiện.

Theo VietNamNet đưa tin, vụ việc tranh chấp vì bỏ quên ô tô 13 năm ở gara giữa ông Huỳnh Trọng Nhân (chủ gara ô tô Trọng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và ông Tôn Thất Sơn (Giám đốc công ty Trang trại công nghệ cao Đà Lạt Nam Việt, Lâm Đông) lên tới đỉnh điểm.

Theo ông Nhân, 13 năm qua, ông không thể liên lạc nổi với khách, đành mang xe cho đi "mổ động cơ" cuối năm 2018. Đến ngày gần đây, ông Sơn mới xuất hiện đòi lại xe hoặc đòi gara đền 100 triệu đồng.

Ngày 4/4, ông Sơn đã đưa ra các thông tin hoàn toàn ngược lại và cho rằng chủ gara đã đưa thông tin sai lệch những gì thực tế diễn ra suốt ngần ấy năm.

Vị này nói: "Anh Nhân bảo chiếc xe khi đem đến sửa đã mục nát là hoàn toàn vô lý vì nếu vậy nó đã không còn hạn đăng kiểm đến 2008. Thậm chí đã có người trả tôi 100 triệu mua xe nhưng tôi không bán mà quyết định sơn sửa lại cho đẹp để đi chơi Tết.

Sau khi xe hoàn thiện, tôi có đến xem thì phát hiện ra họ lắp lại thiếu đồ như trần xe không đúng, táp bi cửa hỏng hết. Tôi yêu cầu phải trả lại nguyên trạng, nhưng sau đó anh Nhân cứ lần lữa thoái thác với lý do xe hiếm nên mất thời gian tìm đồ", ông Sơn nói thêm.

Vị chủ xe Nissan nhấn mạnh là mình không hề biệt tích hay khó liên lạc như lời ông Nhân than phiền. Số điện thoại của ông không thay đổi suốt ngần ấy năm.

Từ 2008 đến 2012 khi vẫn còn ở Hà Nội, trái với những gì ông Nhân chia sẻ, ông Sơn khẳng định rằng vẫn đến xưởng đòi xe nguyên trạng đủ nội thất như ban đầu nhưng anh Nhân cứ khất lần.

Năm 2013 khi phải ra nước ngoài làm việc, ông Sơn ủy quyền cho bạn mình ở lại Hà Nội đốc thúc việc hoàn trả nguyên trạng chiếc Nissan. "Lúc ấy, anh Nhân có nói hướng giải quyết là tôi đưa giấy tờ xe cho cậu ấy và bồi thường 20 triệu. Điều này là quá vô lý bởi riêng giấy tờ bán không cũng có giá như vậy".

Lý giải về việc để sự việc kéo dài quá lâu, đặc biệt là sau khi người bạn trung gian được ủy quyền làm việc với gara mất năm 2015 nhưng đến tận năm 2019 mới xuất hiện, ông Sơn viện lý do rằng, vì bản thân bận công việc và chán nản với cách ứng xử của chủ gara.

Nói về con số chính xác muốn chủ gara bồi thường cho mình, ông Sơn nói không đề cập thẳng 100 triệu đồng mà cho biết, đang yêu cầu anh Nhân tự nhẩm tính con số phù hợp.

Bỏ quên ô tô 13 năm, bắt đền 100 triệu đồng: Chủ xe có cơ sở để yêu cầu bồi hoàn giá trị tài sản? - Ảnh 1.

Nissan Bluebird đời 1982. (Ảnh minh họa).

Chủ xe có cơ sở để yêu cầu chủ gara bồi hoàn giá trị tài sản

Trong vụ việc này, chủ xe có cơ sở để yêu cầu chủ gara bồi hoàn giá trị tài sản chiếc xe do tự ý bán ô tô của khách. Tuy nhiên, mức bồi hoàn thực tế chỉ tương đương với giá trị còn lại của chiếc xe.

Cần phân định trách nhiệm và tính đúng sai vụ việc nằm ở hành vi của 2 bên với giao kèo sửa xe. Theo đó, thông thường trong trường hợp đi sửa chữa xe các bên giao dịch bằng miệng.

Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: 

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó".

Nếu xảy ra những trường hợp như chủ gara ô tô Trọng Nhân chia sẻ thì chủ gara nên thực hiện theo quy trình pháp luật cho phép.

Theo đó, chiếc xe lúc này được xem là tài sản bị bỏ quên theo quy định của Bộ luật Dân sự. Chủ gara cần thông báo ngay lập tức cho chính quyền địa phương để tìm kiếm chủ xe. Xe ô tô là tài sản có đăng ký sở hữu, vì vậy, thông qua chính quyền, việc tìm kiếm chủ sở hữu có thể dễ dàng hơn.

Điều này được quy định tại điều 230 Bộ luật dân sự như sau:

Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

- Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

- Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều khoản này hướng dẫn chủ gara có thể giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để công khai thông tin cho chủ sở hữu, sau 1 năm kể từ ngày công khai nếu không ai nhận thì sẽ được hưởng hoặc xác lập quyền sở hữu đối vơi tài sản đó tùy vào giá trị của tài sản.

Nếu chủ xe đến nhận xe, chủ gara có thể yêu cầu chủ xe thanh toán các chi phí trông giữ xe trong suốt 13 năm qua.

Vậy nếu không thông báo mà xác lập quyền sở hữu luôn thì sao? Trường hợp này có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP, hoặc nặng hơn là hình sự hóa theo điều 176 BLHS 2017.

Trong trường hợp chủ gara "lắp lại thiếu đồ" như lời chủ xe nói thì chủ xe có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hợp đồng.

Do thỏa thuận bằng lời nói nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu khởi kiện ra tòa án, nguyên đơn sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu bị đơn phủ nhận.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

"1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".

Vì vậy, nếu hợp đồng được thỏa thuận bằng miệng, trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên phải chú ý lưu giữ chứng cứ, cụ thể các bằng chứng, giấy tờ khác chứng minh có việc giữa hai bên như thư từ trao đổi giữa hai bên, hay nhờ người chứng kiến để họ làm chứng sau này nếu có tranh chấp, nhằm chứng minh được các thiệt hại thì có thể khởi kiện ra tòa án cấp huyện (nơi cư trú của người vi phạm) để yêu cầu giải quyết việc đòi người vi phạm bồi thường.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.