Bỏ quy định đổi 1 USD bị phạt 100 triệu đồng như trường hợp anh Cà Rê tại Cần Thơ

Theo Nghị định mới, hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi dưới 1.000 USD bị phạt cảnh cáo, thay vì quy định mức phạt hành chính 80-100 triệu đồng như trước đây.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, nội dung đáng chú ý có phân loại các mức phạt dựa trên số tiền trao đổi ngoại tệ trên thị trường.

Mua bán ngoại tệ dưới 1.000 USD bị phạt cảnh cáo 

Trường hợp mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau, mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD, hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương, sẽ bị phạt cảnh cáo.

doi2moi_ihpx

Theo Nghị định mới, hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi dưới 1.000 USD sẽ bị phạt cảnh cáo. (Ảnh minh họa: Thanh Niên).

Hình thức phạt cảnh cáo cũng áp dụng cho các trường hợp như mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, giá trị trao đổi dưới 1.000 USD hoặc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 USD không đúng quy định của pháp luật.

Phạt đến 250 triệu đồng với hành vi xuất nhập khẩu ngoại tệ, VND sai quy định

Cũng các trường hợp trên, nhưng nếu giá trị trao đổi, mua bán từ 1.000 đến dưới 10.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương, sẽ bị phạt từ tiền từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp giá trị trao đổi, mua bán từ 10.000 đến dưới 100.000 USD, hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương, sẽ bị phạt từ tiền từ 20-30 triệu đồng.

Nếu mua, bán ngoại tệ có giá trị từ 100.000 USD trở lên cho các trường hợp giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng.

Với địa điểm giao dịch không niêm yết tỉ giá mua, bán ngoại tệ theo quy định của pháp luật, hoặc niêm yết tỉ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỉ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng, sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng.

Mức phạt tối đa 250 triệu đồng được áp dụng cho các hành vi vi phạm kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỉ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật; xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt không đúng quy định; hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép, hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn, bị tước hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định.

Nghị định mới chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.

RE-1-9206-1541408446

Vụ anh Nguyễn Cà Rê gây xôn xao vì bị phạt hành chính đến 90 triệu đồng cho hành vi đổi 100 USD tại tiệm vàng. (Ảnh: VnExpress).

Như vậy, với Nghị định này, hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi dưới 1.000 USD sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo.

Trong khi đó, Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định phạt 80-100 triệu đồng với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. 

Theo quy định này, năm ngoái, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định gây xôn xao dư luận, khi xử phạt hành chính anh thợ điện Nguyễn Cà Rê đến 90 triệu đồng, vì mang 100 USD đi đổi tại tiệm vàng trên địa bàn.

Vụ việc gây xôn xao vì giá trị tiền đổi 100 USD chỉ hơn 2 triệu nhưng nhận mức phạt đến 90 triệu đồng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã thu hồi quyết định trên, đề xuất sửa Nghị định theo hướng chia theo mức độ để ra quyết định xử phạt.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.