Bộ TN&MT: Các dự án lấn biển không thể chỉ đổ đất cát xuống là xong

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT, là quốc gia ven biển, cần lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội. Song, hoạt động này cần phải được đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc. Đơn cử trong quá trình thi công, các dự án lấn biển không thể cứ đổ đất cát xuống mà không làm đê quai xung quanh.

Chính phủ đã ban hành nghị định về hoạt động lấn biển. (Ảnh tư liệu minh họa: Khải An). 

Tham gia thảo luận về việc lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng tại phiên họp sáng 4/6, thuộc chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, hoạt động này sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển. 

Trong khi đó, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Vì vậy, cần có định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên. 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.  

"Biển là một thể thống nhất. Việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên biển thuộc rất nhiều ngành, lĩnh vực. Nước ta có 28 địa phương có biển. Điều này đòi hỏi các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp hay các dự án đô thị dọc bờ biển đều cần phải đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển cùng những lĩnh vực như vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản,...

Để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, hiện nay đã có chỉ đạo thực hiện và trình Quốc hội về quy hoạch không gian biển quốc gia nhằm phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển. Từ đó, gắn với quy hoạch các ngành và quy hoạch của 28 địa phương có biển.  

Mạnh vì biển, giàu vì biển. Song, muốn bền vững thì phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc vấn đề bảo vệ môi trường", ông Khánh nói. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).  

Phát biểu tranh luận, đại biểu Sơn đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT bổ sung thêm thông tin liên quan đến tác động của hoạt động lấn biển, làm rõ hoạt động khai thác cát biển có tác động như thế nào trong quá trình bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học. Nhất là khi vừa qua, Luật Đất đai 2024 đã có quy định về vấn đề này. Cùng với đó, Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động đất biển.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời: "Thực tế, cha ông chúng ta đã lấn biển từ rất lâu. Là quốc gia ven biển, chúng ta lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội.

Song, hoạt động này cần phải được đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc nhằm bảo vệ hệ sinh thái, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học. Đơn cử trong quá trình thi công, các dự án lấn biển không thể cứ đổ đất cát xuống mà không làm đê quai xung quanh". 

Ngày 16/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP về hoạt động lấn biển. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển; quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có hoạt động lấn biển; giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển; nghiệm thu hoàn thành lấn biển;... 
chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.