Trong phiên thảo luận này, Quốc hội bàn về nội dung xoay quanh việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chiều ngày 2/11. (Ảnh chụp màn hình). |
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Theo nghị quyết của chính phủ từ tháng 6/2016 đến 7/2018 Bộ Giáo dục phải hoàn thiện 3 bộ sách giáo khoa là lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Vậy qua 3 năm ấy, Bộ đã làm được bao nhiêu sản phẩm? Trong bao nhiêu sản phẩm ấy chúng ta đã chi hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn bao nhiêu tiền nữa?
Chỉ khi có thống kê cụ thể về những kết quả đã đạt được, chi hết boa nhiêu tiền thì mới tính được tiếp theo sẽ làm như thế nào. Nếu không thì việc làm sách giáo khoa mới sẽ tiếp tục kéo dài về thời gian, cuốn theo đó chi phí chắc chắn cũng sẽ tăng.
Trong Quyết định 404 của Chính phủ trọn gói 778 tỉ đồng nhưng dự thảo chương trình lại là tiêu tốn 80 triệu USD tương đương 1798 tỉ. Bây giờ đổi mới sách giáo khoa lấy 778 tỉ đồng hay lấy 1798 tỉ đồng?
"Đồng ý lùi 2 năm, 3 năm cũng được nhưng lùi thì phát sinh kinh phí. Nhưng nếu như có phát sinh kinh phí thì Quốc hội phải kiểm soát được. Tôi đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rõ sản phẩm hiện nay là cái gì, chi phí hết bao nhiêu tiền còn bao nhiêu tiền số tiền đã phê duyệt, sau đó mới bàn đến lùi như thế nào”, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng nhấn mạnh.
Trước những câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, trong phiên giải trình Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: “Về kinh phí, với chương trình thì mới tiêu 48,2 tỷ. Như vậy mới tiêu 2 triệu USD.
Với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỉ, như vậy cộng tổng số là hơn 50 tỉ. Còn lại số tiền vẫn trong quá trình kế hoạch”.
Bộ trưởng Nhạ cam kết với Quốc hội: “Từng năm một chúng tôi công khai chỉ số này và giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền. Thực tế tiền mới chi cho các thầy làm chương trình là chủ yếu”.
Về việc có nên lùi việc áp dụng chương trình phổ thông mới hay không, nhiều đại biểu cũng đặt những câu hỏi chất vấn đối với lãnh đạo Bộ Giáo dục.
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) chất vấn: "Qua 3 năm thực hiện nghị quyết 88, các nội dung như: biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng chương trình sách giáo khoa mới, chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình mới, đã thực hiện được bao nhiêu phần việc... Trong báo cáo đã có nhưng vẫn còn quá chung chung.
Đặc biệt, những nội dung công việc nào còn chưa thực hiện được, nguyên nhân do đâu, lộ trình sắp tới, giải pháp, nhất là trong năm 2018 là như thế nào?"
"Sách mới lần này có đắt tiền hơn sách cũ hay không? Sách giáo khoa mới này có đảm bảo được chu kỳ 12 năm hay không? Nếu giả sử lùi chương trình sách giáo khoa mới 2-3 năm nữa thì có thiệt hại gì không?", Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) thắc mắc.
Giải thích nguyên nhân không thực hiện đúng tiến độ đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào năm học 2018-2019, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi đưa ra chương trình tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội, Bộ đã rất thận trọng lấy ý kiến 2 lần. Lần đầu tiên các thầy cô giáo được lấy ý kiến trực tiếp, vì thế rất mất thời gian.
Theo Bộ trưởng, hiện nay chưa có chương trình môn học. Bộ cũng chưa công bố các tiêu chuẩn sách giáo khoa dù đã có Hội đồng quốc gia thẩm định vì còn phải hoàn thiện thêm. Nguyên tắc là bảo đảm huy động được trí tuệ xã hội tham gia viết sách giáo khoa nhưng cũng không có chuyện "trăm hoa đua nở".