Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Mới chi hơn 50 tỷ đồng để làm chương trình, SGK mới'

“Nay Bộ GD-ĐT khẳng định không tăng kinh phí, vậy tôi xin hỏi, trong 3 năm qua, bộ đã làm được những gì, tiêu tốn bao tiền rồi, còn lại bao tiền trong số kinh phí đã được phê duyệt, đề nghị báo cáo Quốc hội”, một ĐB nêu câu hỏi trong buổi thảo luận chiều nay 2-11, vì theo ông, thêm thời gian chắc chắn là thêm tiền, vì phải có người làm, có thêm việc.
bo truong bo gd dt moi chi hon 50 ty dong de lam chuong trinh sgk moi
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cam kết hằng năm sẽ báo cáo về số tiền chi cho chương trình, SGK mới

Chiều 2-11, thảo luận về nội dung Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, nhiều ĐBQH đã đề nghị Chính phủ phải rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị thiếu chu đáo khi xây dựng đề án, dẫn đến việc phải lùi.

ĐBQH: "Trong 3 năm qua, bộ đã làm những gì, tiêu tốn bao nhiêu tiền rồi?"

Thảo luận về nội dung này, hầu hết ý kiến ĐBQH đồng tình lùi thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới 1 năm như Chính phủ trình. Tuy nhiên, các ĐB cũng đưa ra yêu cầu ngành giáo dục phải thực sự cam kết chuẩn bị thật tốt các điều kiện để đổi mới GDPT thành công, vì hầu hết các ĐB đều lo ngại dù thêm thời gian nhưng dường như vẫn chưa đủ để ngành giáo dục chuẩn bị, bởi tất cả vẫn còn quá ngổn ngang.

“Chỉ lùi 1 năm thì có đủ thời gian thực hiện hay không? Từ chương trình, SGK đều cần thời gian hoàn thiện, thử nghiệm, không thể cập rập; rồi cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập”, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) băn khoăn.

ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, lùi 1 năm, thậm chí 2-3 năm không thành vấn đề, mà quan trọng là ngành giáo dục sau đây phải thay đổi được cơ cấu đầu tư cho giáo dục, bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục vùng khó.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) là người tại phiên thảo luận chiều 1-11 đã đưa ra nghi ngại việc lùi thực hiện chương trình GDPT và SGK mới có thể làm tăng kinh phí.

“Nay Bộ GD-ĐT khẳng định không tăng kinh phí, vậy tôi xin hỏi, trong 3 năm qua, bộ đã làm được những gì, tiêu tốn bao tiền rồi, còn lại bao tiền trong số kinh phí đã được phê duyệt, đề nghị báo cáo Quốc hội”, ông Cầu nêu câu hỏi trong buổi thảo luận chiều nay 2-11.

Theo ông, thêm thời gian chắc chắn là thêm tiền, vì phải có người làm, có thêm việc. “Lùi mấy năm cũng được, nhưng phải bảo đảm không tăng thêm kinh phí, hoặc tăng thêm thì Quốc hội phải kiểm soát được”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.

Các ý kiến ĐBQH cũng cho rằng, để thực hiện đổi mới GDPT thành công, ngoài việc xây dựng chương trình, SGK bảo đảm chất lượng, cần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực học sinh; giảm sĩ số lớp học... Trong đó, đặc biệt phải chú trọng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, vì đó là yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục. Trong khi đó hiện nay, đội ngũ này đang vừa thừa vừa thiếu, một bộ phận không nhỏ chưa đạt chuẩn.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương và một số ĐB cho rằng, Chính phủ cũng phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng đề án, trình đề án ra Quốc hội vì đã không tính toán đầy đủ các điều kiện, không bảo đảm tính khả thi. “Rút kinh nghiệm, tránh tình trạng phải sửa Nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là vấn đề Quốc hội cần thể hiện thái độ nghiêm khắc để không tạo thành tiền lệ. Phải chuẩn bị kỹ, kể cả nguồn lực thực hiện mới trình ra Quốc hội”, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu…

"Tiền chưa tiêu mấy..."

Giải trình lại các ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh GDPT rất quan trọng và chương trình, SGK là yếu tố đặc biệt quan trọng của GDPT.

Dẫn lại lịch sử đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên có chương trình GDPT tổng thể, từ đó mới có chương trình từng môn học, viết SGK để giáo viên giảng dạy. SGK lần này cũng chuyển từ phương thức truyền thống là truyền thụ kiến thức sang sáng triển năng lực học sinh, khai phóng, thực học, thực nghiệp, dân chủ trong giáo dục.

“Mới nhưng phải kế thừa, phù hợp với điều kiện đất nước, khắc phục những bất cập, không phải là mới tinh hoàn toàn. Quan trọng nhất là đổi mới phương pháp, có sự liên thông, không chia cắt môn học. Những kiến thức nền tảng, căn bản là ổn định, còn lại tạo độ mở, để các địa phương chủ động 20% kiến thức”, Bộ trưởng cho biết.

Vẫn theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi đưa ra chương trình tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội, Bộ GD-ĐT đã rất thận trọng lấy ý kiến 2 lần. “Cũng là lần đầu tiên các thầy cô giáo được lấy ý kiến trực tiếp, vì thế rất mất thời gian”, ông Phùng Xuân Nhạ nói. Cho đến nay, chương trình tổng thể đã ổn, tuy nhiên vẫn tiếp tục hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng báo cáo, trong quá trình chuẩn bị để đến năm học 2019-2020 thực hiện, ngành giáo dục đã từng bước đổi mới, kể cả ở những vùng sâu xa, bảo đảm không có sự bỡ ngỡ. Tới đây, cũng không phải chờ đầy đủ cơ sở vật chất mới dạy SGK mới mà bảo đảm ở đâu đủ điều kiện thì triển khai sớm.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chương trình sẽ ổn định những kiến thức nền tảng, nhưng vẫn có độ mở để cập nhật các kiến thức mới. SGK cũng không phải là bất di bất dịch mà có độ mở để giáo viên sáng tạo, dạy những kiến thức ngoài SGK.

Hiện nay chưa có chương trình môn học. Bộ GD-ĐT cũng chưa công bố các tiêu chuẩn SGK, dù đã có Hội đồng quốc gia thẩm định vì còn phải hoàn thiện thêm, bảo đảm huy động được trí tuệ xã hội tham gia viết SGK nhưng cũng không có chuyện “trăm hoa đua nở”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, SGK có hay đến đâu mà giáo viên không tốt cũng khó thành công. Vì vậy, nửa năm nay, ngành giáo dục đã rà soát để có chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý, trên cơ sở đó các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục trước hết phải tự hoàn thiện, sau đó mới đến bước bồi dưỡng tập trung của bộ GD-ĐT.

“1 năm nữa mới dạy SGK tiểu học, nội dung tiểu học không có quá nhiều thay đổi, đội ngũ giáo viên cũng ổn hơn, vì vậy yên tâm để triển khai”, Bộ trưởng nói.

Với việc giảm sĩ số lớp, Bộ trưởng cho biết sẽ bàn với các địa phương để giảm, chủ yếu ở thành phố sẽ giảm bằng cách xã hội hóa; ở các địa phương khó khăn thì sắp xếp lại trường lớp.

Được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc báo cáo về vấn đề kinh phí, vì các ĐBQH đều rất quan tâm, Bộ trưởng cho biết hiện nay mới tiêu hết hơn 50 tỷ đồng. “Chúng tôi cũng chỉ mới chi cho các thầy để làm chương trình và chi cho một số lớp tập huấn giáo viên. Hằng năm, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo để Quốc hội yên tâm”, Bộ trưởng nói cam kết.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.