Tại phiên họp chiều ngày 11/11, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Quảng Nam) đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về vấn đề người nước ngoài "núp bóng" các cá nhân, tổ chức người Việt Nam thâu tóm bất động sản tại nước ta.
Theo ĐBQH, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa IV, đại biểu cũng đã có chất vấn rằng hiện nay người Trung Quốc đang sở hữu 162.000 ha đất do trên phạm vi cả nước. Trong đó có 63.000 ha là đất sát biên giới và ven biển.
Bên cạnh đó, báo chí và cử tri cũng có ý kiến về tình trạng người nước ngoài tiếp tục núp bóng cá nhân, tổ chức Việt Nam để mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. ĐBQH đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ vấn đề này.
"Vấn đề này là vi phạm Luật Đất đai, mua bán đất không chính danh, không đúng đối tượng vì mua hộ, mua thay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giám sát kiểm tra vấn đề đó như thế nào? Thời gian tới Bộ đề nghị sửa Luật Đất đai, Luật Đầu tư như thế nào?", đại biểu Vũ Trọng Kim chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định đây là vấn đề lớn, Bộ chưa có điều kiện để nắm rõ, chính xác tình hình thực tế tại các địa phương ra sao.
Với trách nhiệm mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ những chính sách theo các quy định pháp luật để quản lý đất đai mà hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang núp dưới danh nghĩa các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam thâu tóm.
"Đặc biệt, các vùng ven biển hay sát biên giới là những vùng rất nhạy cảm. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim. Cho phép chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu và báo cáo lại Quốc hội sau", Bộ trưởng trả lời.
Liên quan đến vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau 6 năm thi hành Luật Nhà ở 2014, kể từ khi thực hiện Luật Nhà ở 2014, số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu đã tăng lên đáng kể. Từ 126 cá nhân, tổ chức đến nay đã có 2.024 cá nhân, tổ chức (trong đó có 240 tổ chức và 1.784 cá nhân) sở hữu.
Số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam đa dạng gồm nhiều quốc tịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…đầu tư chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…
Bộ Xây dựng đánh giá, việc Luật Nhà ở 2014 quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua… đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Về công tác quản lý, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã có văn bản thông báo cho các địa phương hướng dẫn cụ thể việc công bố khu vực được phép cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở.
Một số địa phương đã công khai trên Cổng Thông tin điện tử của địa phương về các dự án cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, đảm bảo công khai, minh bạch và theo dõi chặt chẽ số lượng mua nhà ở tại các dự án trên địa bàn.