Thông qua '1 luật sửa 9 luật' tác động lớn đến kinh tế - xã hội

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật tác động lớn đến kinh tế - xã hội gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Chiều 11/1, Quốc hội đã họp phiên bế mạc Kỳ học bất thường thứ nhất, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 436/466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,37%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật nêu trên.

Luật gồm 9 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật hiện hành; 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật; khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ có liên quan rà soát pháp luật, lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật. Chính phủ, Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức nhiều phiên họp cho ý kiến đối với hồ sơ lập đề nghị và hồ sơ dự án Luật. 

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 8, tháng 9 năm 2021, Chính phủ đã xem xét, thông qua dự án Luật để trình Quốc hội. Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện, ngày 27/12/2021 vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình số 573/TTr-CP về dự án Luật để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp bất thường kéo dài từ 4 - 11/1.

Theo thống kê, đã có 273 ý kiến phát biểu tại tổ, 31 ý kiến phát biểu tại hội trường, 9 ý kiến tranh luận về nội dung dự án Luật. Đa số các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung dự thảo luật và quy trình, thủ tục rút gọn để thông qua lần này; tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; việc giải ngân vốn đầu tư công khi sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; về sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở; về việc cho phép thực hiện trước một số nội dung khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA đối với Luật Đấu thầu...

Cũng trong chiều 11/1, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. 

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.