Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là một trong các nội dung quan trọng, cấp bách đang được các Đại biểu Quốc hội thảo luận trong kỳ họp bất thường diễn ra từ ngày 4 - 11/1.
Chương trình tập trung kích thích cung - cầu, hỗ trợ khắc phục ngay những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, người lao động để phục hồi, củng cố nền tảng, đồng thời tạo đà tăng trưởng và phát triển trong tương lai, từ đó đóng góp chung vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bất động sản - một trong những ngành chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi thông qua các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên tới gần 350.000 tỷ đồng trong vòng hai năm 2022 - 2023.
BĐS du lịch nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Hầu hết các hoạt động tê liệt vì giãn cách xã hội, hoạt động vận tải, hàng không đình trệ; nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu.
Theo hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam sẽ mở cửa lại hoạt động du lịch, vận tải hàng không theo hai giai đoạn.
Với giai đoạn một, từ đầu năm 2022 sẽ mở cửa lại hoàn toàn du lịch nội địa và vận tải hàng không trong nước. Thí điểm mở cửa lại đối với khách du lịch quốc tế tại Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng), Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa) và một số địa phương có điều kiện thực hiện, mở cửa lại các chuyến bay quốc tế.
Giai đoạn hai bắt đầu từ tháng 6/2022 với việc mở cửa lại hoàn toàn du lịch quốc tế, các chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu.
Việc phục hồi dần ngành du lịch và hàng không được kỳ vọng là bước đà cho sự phục hồi, phát triển trở lại của BĐS nghỉ dưỡng.
Một trong các nội dung của nhóm nhiệm vụ, giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm là hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ thông qua doanh nghiệp đối với người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo ước tính, sẽ có khoảng 4 triệu người lao động được hỗ trợ. Trong đó hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động là 400.000 người, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp khoảng 3,6 triệu người.
Chi phí hỗ trợ cho người lao động là khoảng 6.600 tỷ đồng. Thời gian hỗ trợ trong ba tháng. Trong đó hỗ trợ lao động quay trở lại thị trường lao động là một triệu đồng/tháng (tương đương ba triệu đồng/người), lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng (tương đương 1,5 triệu đồng/người).
Bên cạnh đó, các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở (bao gồm cả người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp) sẽ được cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Lãi suất cho vay hiện hành là 4,8%/năm.
Theo nội dung hồ sơ dự thảo, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2022. Số tiền các doanh nghiệp được giảm ước tính trên 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Cụ thể là tiếp tục được gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất của năm 2022.
Theo dự kiến, tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn của năm 2022 gần 135.000 tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 20.000 tỷ đồng, số tiền gia hạn các loại thuế khác và tiền thuê đất là khoảng 115.000 tỷ đồng.
Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở xã hội tại khu công nghiệp, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cũng nằm trong nhóm đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay thương mại trong giai đoạn 2022 - 2023. Mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm.
Đầu tư công được xác định là nội dung quan trọng trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển với số kinh phí được bố trí khá cao.
Tổng quy mô thực hiện nhóm giải pháp này là 113.850 tỷ đồng. Trong đó, hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ được bố trí 103.164 tỷ đồng.
Theo dự thảo, trong hai năm 2022 - 2023 sẽ chủ yếu tập trung triển khai điều hòa Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Nhà nước sử dụng dự toán tăng thêm của hai năm 2022 - 2023 chi cho đầu tư công để bố trí trước cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đủ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Các dự án thuộc chương trình bao gồm: Dự án đã nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí thêm vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng đã có trong định hướng xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, có khả năng triển khai ngay.
Trong đó, phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội, an toàn hồ chứa, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với các dự án PPP gặp khó khăn cần chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và chỉ thực hiện các dự án PPP thực sự hiệu quả và có thể triển khai được ngay.
Chương trình phục hồi kinh tế cũng đề cập việc nghiên cứu áp dụng thí điểm một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công như: Sử dụng, điều chỉnh linh hoạt các nguồn vốn để thực hiện dự án, nhất là về giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư.
Chính sách thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Trong đó, chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh, đã thực hiện tốt các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, các doanh nghiệp xây dựng có uy tín.
Cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu trong hợp đồng mức thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm được cho các nhà thầu hoàn thành sớm tiến độ gói thầu từ ba tháng trở lên.
Việc phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý để thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn.
Theo nhiều chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng sẽ tác động đến nhiều phân khúc của thị trường bất động sản.
Với nhà ở, hạ tầng giao thông phát triển giúp thu hẹp khoảng cách về nguồn cung, giá giữa khu vực đô thị và lân cận. Đơn cử như tại Hà Nội, sự chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang dần thu hẹp nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng.
Từ năm 2017, giá sơ cấp căn hộ tại quận Cầu Giấy đã tăng 14% mỗi năm, nhờ việc sở hữu các cơ sở chăm sóc sức khỏe, giáo dục có chất lượng và hạ tầng kết nối thuận lợi.
Giá sơ cấp căn hộ tại quận Long Biên cũng tăng 12%/năm do vị trí gần khu trung tâm và những cải thiện về cơ sở hạ tầng, bao gồm nút giao thông kết nối đường Vành đai 3 và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Vành đai 2.
"Sự phát triển và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đã tạo động lực cho nhiều dự án có quy mô lớn đang chậm triển khai dần sẵn sàng trở lại thị trường. Đơn cử như việc Vinhomes đã công bố triển khai Vinhomes Wonder Park ở huyện Đan Phượng và Vinhomes Cổ Loa ở huyện Đông Anh từ cuối năm 2021", ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết.