Thị trường bất động sản năm 2021 đã xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ tại một số khu vực của nhiều địa phương. Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng này là do đầu cơ tung tin, thổi giá gây sốt ảo. Nhiều giao dịch thường chủ yếu là đặt cọc, sau đó chuyển nhượng cọc ngay khi giá tăng, hầu như rất ít lượng giao dịch thực tế. Tuy xảy ra trong thời gian ngắn nhưng tình trạng này cũng đã khiến cho mặt bằng giá bất động sản tại các khu vực được nâng cao hơn so với trước thời điểm sốt đất.
Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải "siết" thuế bất động sản để giảm nạn đầu cơ, thổi giá đất, tránh lãng phí tài nguyên trong phát triển nhà ở.
Ngày 15/12/2021, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố và Tổng cục thuế về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan Nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng đúng giá thực tế mua bán. Điều này nhằm mục đích làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, với các trường hợp chuyển nhượng bất động sản nhưng kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế, Bộ Tài chính khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế và người thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ đề nghị các địa phương thường xuyên vận động người dân, doanh nghiệp kê khai trung thực giá chuyển nhượng trên hợp đồng mua bán.
Với Tổng cục Thuế, Bộ yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, đặc biệt là các quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi này trong pháp luật hình sự để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân và doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế.
Giải pháp về thuế cũng là một trong những giải pháp đáng chú ý được nêu ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/12/2021.
Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về thuế liên quan đến phát triển xã hội như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo pháp luật về thuế và pháp luật về nhà ở.
Tuy nhiên sẽ có những điều chỉnh, bổ sung các loại thuế liên quan đến nhà ở để điều tiết thị trường bất động sản nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Thông tin cơ quan quản lý nhà nước "siết" thuế bất động sản thu hút đông đảo sự quan tâm từ các nhà đầu tư và môi giới.
Nhiều ý kiến ủng hộ việc "siết" thuế bất động sản, cho rằng điều này sẽ là giảm bớt các đối tượng "lướt sóng" trên thị trường, từ đó giá nhà ở thực sẽ bớt bị đẩy giá, người mua nhà ở sẽ có nhiều cơ hội để đuổi kịp sự tăng giá của bất động sản.
"Cá nhân tôi thấy thuế nên đánh đúng giá thực tế từ lâu rồi mới phải. Một bộ phận "lái" sẽ không thể "lướt sóng" nổi, từ đó giúp giá nhà đất không tăng chóng mặt như hiện tại. Sau hai năm làm tại thị trường huyện Bình Tân, tôi nhận thấy 70 - 80% nhà tại khu vực này đều qua tay các "lái" lướt sóng, làm giá tăng từ 200 - 500 triệu đồng/sản phẩm. Nếu không qua tay các "lái" này thì giá nhà đất sẽ tăng với biên độ nhỏ hơn, không có các bước nhảy giá liên tục như hiện tại", anh Thế Nguyễn, môi giới tại TP HCM nêu quan điểm.
Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu phải trả chi phí thuế cao thì người bán sẽ càng nâng giá. Về bản chất, chính người mua phải gánh khoản tiền chênh lên đó.
Một môi giới ở TP HCM cho biết, từ một năm nay thành phố đã có những động thái "siết" thuế bất động sản rất gay gắt. Vì vậy, có hiện tượng một số giao dịch bị hủy vì người mua và người bán không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề kê khai thuế, khi một trong hai bên muốn kê khai đúng giá và bên còn lại thì không.
Nói về vấn đề thuế trong hoạt động bất động sản với các nhà đầu tư cá nhân, tại hội nghị Bất động sản VRES 2021, bà Phùng Thị Ngọc Anh, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế - PwC Việt Nam cho biết, ngoài pháp lý và tiềm năng tăng giá thì thuế cũng là yếu tố quan trọng không kém đối với các nhà đầu tư bất động sản.
Hiện tại người giao dịch bất động sản phải đóng các loại thuế phí như phí trước bạ, thuế đất... Các khoản này chưa quá đáng kể nhưng trong tương lai rất có thể mức thuế sẽ được nâng lên, nhằm mục đích tạo ra sự thịnh vượng chung, điều tiết lại thị trường, phân phối lại thu nhập đối với những người có tài sản bất động sản từ thứ hai trở lên. Hiện tại Trung Quốc đã áp dụng điều này, việc Việt Nam tham khảo, điều tiết thị trường bằng cách tăng áp thuế bất động sản là vấn đề hoàn toàn có thể trong tương lai gần.
Gần đây các cơ quan thuế, cơ quan chức năng đã kết hợp với các phòng công chứng yêu cầu phải thường xuyên thông tin, cập nhật các giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại địa phương. Khi nhà nước xây dựng được cơ sở dữ liệu về thông tin giao dịch và giá cả thì việc minh bạch về thông tin kê khai thuế sẽ rõ ràng hơn. Những trường hợp kê khai cho mục đích thuế chưa sát với giá trị thật như hiện nay có thể sau này sẽ bị rà soát, chất vấn bởi cơ quan thuế, bị truy thu và bị phạt.
Bà Ngọc Anh cũng nhắc nhở, nếu nhà đầu tư không tính toán, ước lượng được số thuế có thể phát sinh tại thời điểm mua bán thì chi phí thuế có thể thâm vào phần lợi nhuận trong hoạt động đầu tư. Từ đó, lợi nhuận từ đầu tư bất động sản có thể sẽ không cao bằng các kênh đầu tư khác (như vàng, chứng khoán) nếu thêm cả thuế.