Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Bộ Tài chính có kế hoạch gì cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi trong năm 2024, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế, tài chính đất nước, góp phần tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa của Chính phủ, gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan, trực tiếp chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán.
Theo đó, chúng tôi tập trung vào các giải pháp cốt lõi như tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với yêu cầu chuyển tiền và thanh toán sau giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thông lệ tại đa số thị trường chứng khoán các nước trên thế giới là nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ trước giao dịch mà chỉ thực hiện thanh toán khi giao dịch đã thành công trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam yêu cầu mọi nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trên tài khoản trước giao dịch. Để xử lý vướng mắc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp cùng Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) làm việc với các thành viên thị trường cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, đối với vướng mắc về khả năng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường chứng khoán trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu, nắm bắt được thông tin về khả năng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp…
Chúng tôi cũng đã tích cực và chủ động phối hợp các Bộ, ngành liên quan và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xử lý vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tự do hóa tài khoản vốn, quy định về quản lý ngoại hối. Có thể nói, để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự chung tay của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp. Với vai trò đơn vị đầu mối,
Bộ Tài chính đang khẩn trương và quyết liệt thực hiện các giải pháp và hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng trong thời gian tới.
Phóng viên: Đối với trái phiếu doanh nghiệp, nhiều kỳ vọng các điều chỉnh về khuôn khổ pháp luật và nhận thức về trái phiếu doanh nghiệp hiện tại sẽ mở ra một chu kỳ mới cho sự phát triển của thị trường, một chu kỳ phát triển ổn định, thực chất hơn, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây. Chúng ta đã chứng kiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất sôi động. Tuy vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5% GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng ta cơ bản đã xây dựng được khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, so quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp so GDP của một số quốc gia trong khu vực hiện nay như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19 là tương đối lớn.
Hiện nay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130%GDP, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn có nhiều rủi ro cao, cá biệt có một số trường hợp lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp khi thành lập hoạt động của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về công bố thông tin và sử dụng trái mục đích.
Trong thời gian tới, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế cần có sự “chung tay góp sức” của tất các chủ thể tham gia trên thị trường.
Về trung và dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành, rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp). Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu); tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý, giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ; tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rủi ro của trái phiếu gắn trực tiếp với rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải rủi ro của ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2024 được dự báo là còn nhiều khó khăn, trong khi nhiệm vụ được giao cho ngành tài chính khá nặng nề. Vậy Bộ trưởng và ngành tài chính sẽ bắt tay vào thực hiện như thế nào trong năm tới này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dự báo năm 2024 còn rất nhiều khó khăn đến từ cả trong và ngoài nước. Năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm thứ tư thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bứt phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính – ngân sách nhà nước của nhiệm kỳ.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi toàn ngành tài chính phải chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xử lý tốt các vấn đề phát sinh, tận dụng mọi thời cơ, động lực để phát triển. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Vấn đề đầu tiên là phải hoàn thành nhiệm vụ tài chính hiệu quả, phát triển thị trường tài chính lành mạnh và tiếp tục tháo gỡ khó khăn để sản xuất kinh doanh phát triển.
Vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khóa chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn. Vấn đề cơ bản là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Ngay từ cuối năm 2023, nhận thấy tình hình còn khó khăn, chúng tôi đã kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nối dài các chính sách hỗ trợ trong năm 2024. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”. Ngành tài chính luôn giữ vững truyền thống đoàn kết và sáng tạo đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!