Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về kiểm toán BOT giao thông: Không có vấn đề gì mà không mời kiểm toán

Nói về kiểm toán BOT giao thông, Bộ trưởng Thể cho hay quan điểm của Bộ ngay từ đầu là công khai, minh bạch, không có vấn đề gì mà không mời kiểm toán.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về kiểm toán BOT giao thông: Không có vấn đề gì mà không mời kiểm toán - Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: TTXVN).

Giải quyết BOT T2, Cai Lậy ra sao?

Ngày 5/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đã đề nghị cung cấp thông tin về BOT Cai Lậy và T2.

"BOT trong lĩnh vực giao thông chưa minh bạch, từ đấu thầu, xây dựng, đặt trạm, mức phí, thời gian thu phí đã gây bức xúc cho nhân dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết cách xử lý dứt điểm những bất cập này. Đặc biệt là đối với 2 trạm BOT Cai Lậy và T2, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?", đại biểu Phong đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết với trạm Cai Lậy và T2, thời điểm đó thực hiện theo Nghị định 108 của Chính phủ.

"Nghị định 108 yêu cầu là khi tổ chức đặt trạm phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương, có nghĩa là lấy ý kiến của UBND tỉnh nơi có trạm thu phí.

Tuy nhiên, Bộ GTVT rất thận trọng. Chúng tôi đã lấy ý kiến của 3 đơn vị gồm UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh.

Chúng tôi nghĩ rằng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh đại diện cho nhân dân nên chúng tôi mở rộng việc lấy ý kiến nhiều hơn theo Nghị định 108.

Với 2 trạm này, chúng tôi đã lấy ý kiến của Tiền Giang, Cần Thơ theo đúng địa giới hành chính và Nghị định 108 qui định", ông Thể nói.

Bộ trưởng GTVT khẳng định bức xúc hiện nay có liên quan nhiều vấn đề.

"Với trạm BOT T2, chúng tôi đang khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên. Khi có tuyến tránh thì mọi vấn đề liên quan đến trạm BOT T2 sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đã tạm dừng thu phí và nghiên cứu các phương án và sắp tới sẽ lấy ý kiến của tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, các bên liên quan để xem xét giải pháp cho BOT T2", ông Thể cho biết.

Về tuyến tránh TP Long Xuyên, ông Thể cho biết hiện đang phối hợp với An Giang trong việc giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng GTVT cho biết dự án này đã kí thông qua Hiệp định, Bộ Tài chính đang làm việc với ADB và sớm khởi công.

Với trạm BOT Cai Lậy, Bộ trưởng Thể cho biết Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng xem xét trong đó có vấn đề an ninh chính trị.

"Hiện nay, chúng tôi cũng đã trình các phương án. Khi có ý kiến của các cấp lãnh đạo thì chúng ta sẽ thực hiện.

Tuy hiên, tôi khẳng định là chúng ta thực hiện theo đúng Nghị định 108", Bộ trưởng GTVT nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói về kiểm toán BOT giao thông: Không có vấn đề gì mà không mời kiểm toán - Ảnh 2.

BOT Cai Lậy. (Ảnh: Zing.vn).

Vị trí trạm BOT gây bức xúc, vai trò nhà nước thế nào?

Cũng liên quan đến vấn đề về BOT, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) vai trò của một số cơ quan tới việc đặt trạm BOT khi nhân dân có yêu cầu, bức xúc.

Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT cho biết Bộ này và các Bộ ngành đã tham mưu Chính phủ.

"Chúng tôi báo cáo thường xuyên với Thường trực Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp, chứ không phải không.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đều đi đến một bước là nếu giải quyết toàn bộ các bức xúc hiện nay thì chỉ có bỏ kinh phí ra mua lại. Tất cả các dự án này đều thực hiện theo Nghị định 108.

Tuy nhiên, nguồn lực hiện nay đang khó khăn, do đó chúng tôi nghĩ những dự án bức xúc thì đều có đề xuất cả.

Vai trò quản lí nhà nước không phải giải quyết từng trạm mà phải cả hệ thống. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin về vấn đề này", ông Thể nói.

Đối với vấn đề kiểm toán BOT giao thông, Bộ trưởng Thể cũng cho biết: "Trưa nay, tôi vừa chuyển cho Tổng Kiểm toán Nhà nước văn bản 4771 ngày 28/4/2014 (văn bản Bộ trưởng GTVT gửi Tổng Kiểm toán Nhà nước).

Trong văn bản này, chúng tôi kiến nghị ngay từ 2014 là kiến nghị Kiểm toán vào kiểm toán các dự án và trong đó những dự án BOT. Do đó, vấn đề giữa Bộ GTVT và Kiểm toán Nhà nước xin báo cáo để Quốc hội nắm, có thể là chúng tôi sẽ phối hợp báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này cụ thể.

Quan điểm của Bộ ngay từ đầu là công khai, minh bạch, không có vấn đề gì mà không mời kiểm toán vào kiểm toán. Trên tay tôi có văn bản, nếu đại biểu cần thì có thể nghiên cứu".

Được biết, hiện nay, trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc (82 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).

Trong đó, Bộ GTVT quản lí 74 trạm (65 trạm trên các tuyến quốc lộ và 9 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc); UBND các tỉnh quản lí 19 trạm (17 trạm trên các tuyến quốc lộ và 02 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.