Tuyến tránh TP Long Xuyên nếu hoàn thành thì người dân An Giang đi cầu Vàm Cống sẽ không phải qua trạm BOT T2. (Ảnh: Zing.vn).
Liên quan đến việc người dân phản tối trạm BOT T2 ở Cần Thơ và phía Bộ GTVT đã cho tạm dừng thu phí, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết khi thông xe, phương tiện qua lại giữa cầu Vàm Công - QL80 (đi An Giang) chỉ sử dụng một đoạn ngắn của QL91 và phải trả tiền qua trạm T2.
Theo ông Nhật, điều này dẫn tới bất cập và tài xế có ý kiến.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT cho biết nếu như tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) hoàn thành, người dân từ An Giang đi cầu Vàm Cống sẽ không phải đi qua đoạn BOT trên QL91 và không phải trả tiền ở trạm T2 (do tuyến tránh cắt qua QL80 và nối thẳng lên cầu Vàm Cống).
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nhật, tuyến tránh TP Long Xuyên dự kiến phải cuối năm nay mới khởi công và ít nhất 2 năm nữa mới hoàn thành.
Được biết, sau khi bị người dân phản đối, Bộ GTVT đã cho tạm dừng thu phí BOT T2 và đếm xe qua lại giữa An Giang và cầu Vàm Cống.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, từ đó sẽ tính toán phương án miễn giảm hoặc di dời trạm T2.
Với phương án miễn giảm, thì cơ quan chức năng cần phải tính toán phương tiện, mức miễn giảm và ảnh hưởng đến phương án tài chính.
Ngoài ra, phương án di dời (được cho là lùi trạm T2 về phía cầu Vàm Cống khoảng 500m) cũng phải tính toán chi phí di dời trạm, phương án tài chính...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trạm BOT T2 "sinh ra" sau khi dự án BOT QL91B "về chung nhà" với dự án BOT QL91. Đáng chú ý, trạm T2 cách dự án BOT QL91 tới vài chục km.
Trao đổi với chúng tôi về tuyến tránh TP Long Xuyên - con đường được kì vọng sẽ giúp giải quyết bất cập của trạm BOT T2, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết tuyến tránh này không thể hoàn thành sớm được.
"Dự kiến, tuyến tránh TP Long Xuyên phải đến năm 2023 mới hoàn thành được. Tuyến tránh này mới được Chính phủ chấp thuận cho vay vốn dư của cầu Vàm Cống năm 2019.
Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính đang chờ kí lại hiệp định vay vốn với Ngân hành Phát triển châu Á (ADB) và còn phải chờ họ đồng thuận. Nếu kí được hiệp định trong năm 2019 thì hi vọng có tiền giải phóng mặt bằng trong năm và dự kiến khởi công tuyến tránh vào năm 2020", ông Trí nói.
Tuy nhiên, theo vị này, nếu năm 2020 khởi công thì cũng phải đến năm 2023 mới xong được tuyến tránh TP Long Xuyên.
"Phải mất 3 năm mới có thể hoàn thành tuyến tránh do khối lượng thi công lớn với 19 cây cầu lớn nhỏ, 36 cống và 15,3km đường", ông Trí cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi về bất cập trạm BOT T2, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang cho biết nếu có đường tránh TP Long Xuyên thì xe không phải đi qua trạm này.
"Tuy nhiên, mấy năm nữa mới xong tuyến tránh thì người dân chịu sao nổi?
Nếu trạm đặt sai vị trí thì tốt nhất là sửa bằng cách di dời. Còn hiện giờ chúng tôi chỉ muốn 2 phương án. Thứ nhất đi bao nhiêu trả tiền bất nhiều hoặc là di dời trạm chứ không có phương án khác", ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, hiện nhiều chủ phương tiện ở An Giang kiên quyết không trả phí, những người được miễn cũng sẵn sàng trả theo phương án đi bao nhiêu trả bấy nhiêu.
"Chúng tôi rất mừng khi có cầu Vàm Cống nhưng trạm T2 án ngữ ở đó thì sao coi được?", ông Xuân nhấn mạnh.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và 91B theo hình thức BOT có vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng.
Có 2 trạm thu phí trên toàn tuyến gồm Trạm T1 đặt tại quận Ô Môn và Trạm T2 tại quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).