Chiều 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà. Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 44 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Cơ sở nào để đảm bảo Formosa sẽ không gây ô nhiễm môi trường?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quảng Bình đặt câu hỏi, cử tri Quảng Bình băn khoăn với sự cố Formosa không chỉ trong hiện tại và trong tương lai. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết cơ sở nào để đảm bảo tính vững chắc của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa sắp tới sẽ không gây ô nhiễm môi trường để tạo niềm tin cho nhân dân trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) |
Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc đền bù sau sự cố môi trường Formosa.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thành lập hội đồng liên ngành trực tiếp theo dõi và giám sát 24/24, giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như chất thải rắn và chất thải nguy hại của Formosa.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Phương về vấn đề Formosa. |
Nếu xảy ra sự cố thì phải có các biện pháp phòng ngừa tức là có hồ để ứng phó sự cố, tất cả các nguồn thải, thông số thải được kiểm soát chặt chẽ qua các thiết bị tự động, quan trắc đầy đủ các thiết bị. Thông số sẽ được truyền thẳng về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Có thể nói là các quy trình xử lý, đã thống nhất và họ cũng tích cực thực hiện với tinh thần xây dựng đảm bảo an toàn với môi trường, không xảy ra sự cố và phát triển bền vững ở địa phương. Đồng thời, Bộ TN&MT đang thiết kế một hệ thống giám sát an toàn với môi trường biển ở 4 địa phương này. Hệ thống này sẽ giám sát tự động các thông số và có thể giám sát hoàn toàn tự động các nguồn thải của Formosa, từ khí thải cho tới nước thải.
Hiện nay, Formosa đã có hợp đồng ký kết với một doanh nghiệp trong việc xử lý, lưu trữ chất thải nguy hại cũng như trong vấn đề xử lý chất thải công nghiệp.
Đối với xỉ bay, xỉ đáy thì trên thế giới coi đây là vật liệu xây dựng, nên đã yêu cầu Formosa tìm đối tác để có thể thương mại hoặc có thể chuyển các chất thải tái chế để làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng.
Riêng đối vấn đề hiện nay, chúng tôi cho rằng với cách thức quản lý, nỗ lực của doanh nghiệp thì Formosa mời rất nhiều các cơ quan tư vấn nổi tiếng để có những tư vấn trong vấn đề dài hạn. Trong vòng 2 năm tới, Formosa phải thay đổi cơ bản công nghệ dập cốc từ cốc ướt sang cốc khô.
Quy trình cũng như cách thức quản lý, vận hành của Formosa đối với hệ thống xử lý chất thải phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14000.
Về ý thứ hai của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà phối hợp với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời bằng văn bản về việc các phương án đền bù cho các đối tượng trong 4 tỉnh bị thiệt hại.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến sớm hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân. Kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu tính đến việc này chưa?
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Bộ TN&MT được giao theo dõi tình hình sụt lún, nước biển dâng. Sụt lún do quá trình kiến tạo địa chất, do quá trình nhân sinh, do con người sử dụng nước ngầm quá mức. Kịch bản 2016 đã được cập nhật vấn đề sụt lún, nhưng phải theo dõi dài xem do nhân sinh, sức nén của quá trình đô thị, hay do quá trình kiến tạo để có kết quả.