Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình về các vấn đề liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực xây dựng. (Ảnh: Gia Hân)
Cuối chiều 13/11, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, liên quan tới công tác này, hiện có 3 luật, 4 nghị định và nhiều thông tư điều chỉnh; trong đó, quy định rất cụ thể trong tất cả các khâu của đầu tư xây dựng trong phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hạn chế rất căn bản là các quy định còn tản mát, một số nội dụng đã lạc hậu và còn thiếu một số quy định để đáp ứng yêu cầu và sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị.
“Ví dụ, hiện nay nhà chung cư cao trên 150 m là chúng ta chưa có các quy chuẩn cụ thể, trong đó có phòng cháy, chữa cháy”, ông Hà nêu.
Khẳng định hệ thống pháp luật đã có là tiền đề quan trọng và nếu thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế tối đa hậu quả các vụ cháy, song người đứng đầu ngành xây dựng cũng nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là xử lí vi phạm chưa nghiêm.
Thừa nhận hạn chế mà báo cáo giám sát của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, từ việc công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng cho tới việc phát hiện mà xử lí không nghiêm, người đứng đầu ngành xây dựng nói ông “xin nhận trách nhiệm” và hứa trong thời gian tới sẽ làm hết sức mình để góp phần cùng với các bộ, ngành, các địa phương khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Nói về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Hà cho biết, sẽ bổ sung các quy định mới để đáp ứng các yêu cầu về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như vật liệu hay chiều cao công trình.
Theo ông Hà, Việt Nam đã đủ sức tự thiết kế và tự thi công công trình đến 100 tầng nên cần phải bổ sung các quy định, quy chuẩn liên quan về loại công trình này.
“Hiện nay, các phương tiện chữa cháy của chúng ta mới vươn tới độ cao khoảng 20 tầng. Có một vài địa phương tôi được biết đã mua sắm trực thăng chữa cháy nhưng còn rất ít nên quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng cũng cần phải phù hợp với những đặc thù này để có những giải pháp cụ thể trong mức độ đầu tư về phương tiện phòng cháy, chữa cháy hiện nay”, ông Hà phân tích.
Đối với đề xuất không để xe ở tầng hầm các tòa chung cư, nhà nghỉ, khách sạn, Bộ trưởng Hà nói rằng Bộ này đang nghiên cứu. “Chúng tôi hiện nay đang nghiên cứu xem có sử dụng tầng hầm làm chỗ đỗ xe nữa hay không? Điều này cũng sẽ có những nghiên cứu”, người đứng đầu ngành xây dựng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho hay, hiện nay, bộ này đã quy định nhà cao tầng phải có tầng lánh nạn để phục vụ phòng cháy, chữa cháy.
“Tôi cũng xin nói thật, khi rà soát, làm việc nhiều với doanh nghiệp, nhà đầu tư thì cũng có những đòi hỏi phải hạ thấp các tiêu chuẩn này. Quan điểm của chúng tôi là không thể hạ thấp những quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy mà đặt tính mạng, tài sản của con người lên cao nhất”, Bộ trưởng Hà thông tin và cho biết, trong tháng 12 tới, Bộ sẽ ban hành 2 quy chuẩn mới, trong đó có Quy chuẩn 01 về quy hoạch xây dựng và Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy để giải quyết những tồn tại, bất cập nêu trên.
Trước đó, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quảng Bình, đề xuất phải sửa luật Xây dựng làm sao để các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn không sử dụng tầng hầm làm nơi để xe.
"Từng xe đều có bình xăng và nhiều xe đậu dưới tầng hầm thì nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu. Khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên thì xăng vẫn cháy", ông Phương phân tích và đề xuất, các cơ quan nhà nước có thể để xe dưới hầm nhưng khu dân cư, chung cư, khách sạn phải xây dựng bãi đỗ xe riêng chứ không nên để xe dưới hầm và nhà để xe nên làm trên cao.