Đánh giá tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dần ổn định trở lại; nền kinh tế tăng trưởng tích cực... đã thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, hiệu quả.
Tuy nhiên nguồn cung sản phẩm bất động sản hạn chế ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án, dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía...
Tình hình giao dịch trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ ngành liên quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện một số giải pháp.
Bộ đề nghị nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153 ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Các Bộ ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Để tăng nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn. Với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai, các địa phương đánh giá cụ thể lý do, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Địa phương công khai danh mục dự án, quỹ đất, trình tự thủ tục phát triển nhà ở, bất động sản trên địa bàn để kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận và tham gia đầu tư nhà ở, bất động sản.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện giao đất, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án; đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại.
Với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ đề nghị rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí theo đúng quy định, trong đó, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội.
Các địa phương thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Lập và công bố Danh mục các chủ đầu tư được vay gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Với công tác quản lý trên thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
Với tình trạng chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng, cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc;
Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Các địa phương cũng cần theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn;
Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, đất đai, xây dựng và pháp luật liên quan (nếu có).