Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp đôn đốc các địa phương trong việc triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đăng ký trước đó để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được Thủ tướng giao. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề nhưng sẽ giải quyết được đồng thời nhiều vấn đề như sự mất cân đối giữa các phân khúc nhà ở trên thị trường bất động sản. Từ đó, giúp “điều hòa” giá và cân bằng dần cơ cấu sản phẩm.
Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản chia sẻ, trước khi có Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Bộ Xây dựng cũng đã chủ động thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội thông qua việc hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp lý liên quan; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cả doanh nghiệp và người thụ hưởng khi tiếp cận quỹ nhà ở này.
Theo báo cáo của 42/63 địa phương, đến nay có 13 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn. Trong số đó có 5 dự án bao gồm 3 dự án hoàn thành toàn bộ và 2 dự án hoàn thành 1 phần với quy mô 2.016 căn. Cụ thể là tại Bắc Giang có 1 dự án nhà ở công nhân hoàn thành 1 phần với 864 căn; Thái Bình có 1 dự án nhà thu nhập thấp với 498 căn; Khánh Hòa có 1 dự án nhà thu nhập thấp với 260 căn; Hà Tĩnh có 1 dự án nhà thu nhập thấp với 152 căn; TP HCM có 1 dự án hoàn thành nốt 242 căn nhà ở cho thuê.
Có tổng số có 4 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 8.073 căn gồm: Khánh Hòa 1 dự án nhà thu nhập thấp 3.186 căn; Hải Phòng 2 dự án nhà thu nhập thấp 4.004 căn và 775 căn; Đăk Nông 1 dự án nhà thu nhập thấp 108 căn.
Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 4 với quy mô 5.919 căn gồm: Hà Nam 1 dự án nhà thu nhập thấp với 1.100 căn; Bình Định có 1 dự án nhà thu nhập thấp 714 căn; Đồng Nai 1 dự án nhà thu nhập thấp 3.500 căn; Trà Vinh 1 dự án 605 căn.
Còn nếu tính từ giai đoạn năm 2021 đến hết quý I/2024, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong số đó có 75 dự án đã hoàn thành với quy mô 39.884 căn; có 127 dự án đã khởi công xây dựng, quy mô 114.984 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 263.332 căn.
Lũy kế từ trước đến nay, trên địa bàn cả nước có 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 573.992 căn, bao gồm: đã hoàn thành 376 dự án, tương đương 195.676 căn; 127 dự án với 114.984 căn đã khởi công xây dựng; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 263.332 căn.
Việc triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng đang có chuyển động tích cực. Theo báo cáo được Bộ Xây dựng dẫn chứng, hiện nay đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ông Hoàng Hải thông tin, ngày 23/4/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo đó, hướng dẫn tại văn bản này áp dụng đối với các khoản vay thuộc Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các nội dung liên quan đến pháp luật về tín dụng (tín dụng cho vay, thời gian triển khai, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi…) được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Điểm nổi bật là thủ tục cho vay đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng của gói tín dụng này đã được hướng dẫn đơn giản hơn, chỉ còn 2 thủ tục. Đó là chủ đầu tư phải có trong danh mục được UBND cấp tỉnh, thành phê duyệt thuộc nhóm đối tượng này và chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện: đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở; đã được lựa chọn là chủ đầu tư dự án theo pháp luật về nhà ở đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyêng sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Với những quy định mới này, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội sẽ giảm bớt được các thủ tục hơn so với trước đó – ông Hoàng Hải thông tin.