4 con hổ châu Á, vốn luôn muốn đạt mức tăng trưởng cao (development state), cần phải gia tăng phúc lợi xã hội theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng....(Ảnh: Alamy).
Những con hổ này bắt đầu từ việc sản xuất những chiếc áo cotton, hoa nhựa hay những bộ tóc giả đen óng ánh. Không lâu sau đó, họ đã có thể sản xuất những con chip, máy tính xách tay và giao dịch các công cụ phái sinh. Trước đây, những người nông dân và công nhân phải lao động khổ sở, thì nay con cháu của họ trở thành những người có học thức nhất trên hành tinh.
Thế rồi mọi thứ bỗng chốc đảo lộn. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã tác động không nhỏ đến những thành công mà họ đạt được.
Hiện nay, Trung Quốc đang nổi lên như một điểm sáng của phát triển, mặc dù xét ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc từng học theo cách làm của bốn con hổ châu Á. Dường như, 4 con hổ này đang tăng trưởng chậm lại và thậm chí trong năm nay, tốc độ tăng trưởng của Mỹ có thể sẽ nhanh hơn họ.
Cả bốn nền kinh tế đều có những vấn đề riêng rất khó giải quyết: tiền lương khó tăng ở Đài Loan, sự thống trị của các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, chênh lệch giàu nghèo ngày một gia tăng tại Singapore (nhất là đối với những lao động nhập cư với mức thu nhập thấp) và Hong Kong thì đối mặt với những bất ổn dai dẳng trong năm nay.
Bất chấp những vấn đề nan giải nêu trên, 4 nền kinh tế vẫn có nhiều điều rất đáng nể. Đồ thị GDP bình quân đầu người của các nền kinh tế này, tính theo ngang giá sức mua, vẫn rất ấn tượng (xem biểu đồ). Bên cạnh đó, từ lâu nay 4 con hổ đã hóa giải thành công vấn đề bẫy thu nhập trung bình.
Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ sớm trở thành con hổ thứ tư vượt qua Nhật Bản, quốc gia từng là mẫu hình kinh tế mà Hàn Quốc noi theo.
Tương quan GDP bình quân đầu người của 4 con hổ châu Á (theo %) so với của Mỹ, tính theo ngang giá sức mua.
GDP bình quân đầu người Singapore đã vượt qua Mỹ (theo ngang giá sức mua) vào những năm 1990; Hong Kong vượt Mỹ vào năm 2013 trong khi hai con hổ còn lại đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Trong giai đoạn từ 2013-2018, mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Singapore và Hong Kong là nhanh nhất thế giới.
Giờ đây, các con hổ của châu Á đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự các nước phương Tây từng gặp phải như: Làm thế nào để giảm thiểu bất bình đẳng; Làm thế nào để tăng năng suất; Làm thế nào để đối phó với sự già hóa của dân số hay làm thế nào để cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Những thách thức mà 4 nền kinh tế này phải đối mặt có một số đặc điểm chung:
Thứ nhất, các vấn đề của 4 con hổ châu Á đến từ sự thành công về kinh tế của họ chứ không phải do họ thất bại. Cả bốn con hổ đã duy trì được thị phần xuất khẩu toàn cầu của mình trong nhiều năm, bất chấp chi phí từ nhân công đến đất đai đều gia tăng hàng năm. Vấn đề của họ nằm ở việc tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh hơn so với nhu cầu toàn cầu.
Họ cũng đã đạt đến giới hạn về công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ đó khó đạt được những bước tiến thần kì như thời kì trước. Nhiệm vụ của họ bây giờ không phải là bắt kịp sự tiến bộ công nghệ của thế giới, mà chính họ phải là những người sáng tạo ra chúng.
Thứ hai, những bất ổn cũng có thể cản trở sự phát triển kinh tế của 4 con hổ này.
Vấn đề thứ ba, mức an sinh xã hội thấp tại 4 con hổ đã trở thành lực cản.
Trước đây, các nhà lãnh đạo ở những nền kinh tế lo ngại nếu gia tăng phúc lợi xã hội sẽ làm triệt tiêu động lực làm việc của người dân. Tuy nhiên, nếu như an sinh xã hội không được đảm bảo thì người dân cũng sẽ không thiết tha với những thay đổi công nghệ.
Với thực trạng dân số đang già hóa ngày một, 4 nền kinh tế này sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong việc chi trả lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, chính những gánh nặng về kinh tế đã khiến những người trẻ không muốn có con.
Vì vậy để giải quyết vấn đề trên, 4 nền kinh tế này, vốn luôn muốn đạt mức tăng trưởng cao (development state), cần phải gia tăng phúc lợi xã hội theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng (growth-friendly welfare state).
Cuối cùng, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đóng vai trò như phong vũ biểu đối với kinh tế thế giới. Họ chịu tác động mạnh một cách bất thường từ các chu kì của toàn cầu, từ công nghệ đến tài chính và địa chính trị.
Trong khi Đài Loan và Hàn Quốc là những nền kinh tế mạnh về sản xuất đã thiết lập được vị thế của mình trong các thị trường ngách, thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến công nghệ (tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến kĩ thuật và những con chip thiết yếu sử dụng cho các mạng viễn thông 5G tốc độ cao và xử lí các dữ liệu lớn), thì Hong Kong và Singapore đã và đang trở thành cầu nối tài chính giữa Trung Quốc và thế giới.
Chính vì vậy điều này vô hình chung đã khiến những con hổ này đặc biệt nhạy cảm với sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Cả 4 nền kinh tế đều phụ thuộc vào việc liệu sự ổn định địa chính trị có thể được duy trì ha không, khi Mỹ thay đổi để ứng phó với những đối thủ mới nổi.
Những chu kì nêu trên đều gây khó khăn cho những con hổ, ngay cả trong giai đoạn tăng trưởng.
Ví dụ, sự bùng nổ về tài chính và công nghệ có thể khiến của cải của nền kinh tế tập trung vào tay của một số ông trùm như các chaebol sản xuất chip của Hàn Quốc hay các ông trùm bất động sản ở Hong Kong. Trong thời suy thoái, hệ quả lại càng nghiêm trọng hơn.
Trong 25 năm vừa qua, đã 2 lần những con hổ của châu Á bị nhấn chìm trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, thách thức về địa chính trị mới là thứ mà các nền kinh tế trên lo ngại nhất. Cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ làm chao đảo nền móng thịnh vượng và an ninh của 4 con hổ ở châu Á.
4 con hổ đều mắc kẹt trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội phức tạp, mà nguyên nhân đều đến từ sự phát triển vượt bậc của họ trong nửa thế kỉ vừa qua.
Nhìn về tương lại, những nỗ lực của 4 nền kinh tế để duy trì vị thế tiên phong cũng không có gì đảm bảo là sẽ thành công. Nhưng câu chuyện về 4 con hổ của châu Á vẫn rất đáng để dõi theo.