BOT TP HCM - Long Thành - Dầu Giây: Bị cướp mới... lộ tiền thu phí

Tranh cãi số thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc Long Thành - Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỉ đồng vẫn chưa dừng lại ngay cả khi doanh nghiệp dự án lên tiếng giải thích.
bot tp hcm long thanh dau giay bi cuop moi lo tien thu phi
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây đón 126.000 lượt xe trong 3 ngày tết, lưu lượng phương tiện qua cao tốc này liên tục tăng trong các năm. (Ảnh: Độc Lập).

Nghi vấn chủ đầu tư “khai man” doanh thu thực tế trên tuyến này cũng đã được đặt ra.

Thu mỗi ngày bao nhiêu tỉ?

Theo thông tin từ Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN - VEC E đơn vị quản lý thu phí, vận hành dự án, số tiền trong két sắt trước thời điểm bị cướp là hơn 3,23 tỉ đồng, 2 tên cướp chọn đúng thời điểm các nhân viên giao ca, két sắt mở, để gây án.

Nhiều ý kiến tính toán, trong 1 ca (8 giờ), trạm thu phí này thu được hơn 3 tỉ đồng, vậy với 3 ca/ngày, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) có thể thu được số tiền lên đến 8 - 9 tỉ đồng. Chưa kể thời điểm sau 30 tết, các loại phương tiện đóng phí cao như xe tải, xe container rất ít, vậy ngày bình thường số tiền thu được sẽ còn cao hơn. Trong khi đó, theo báo cáo của VEC E, tổng kết 2018 công ty này thu được 1.100 tỉ đồng tiền thu phí, tính ra trung bình 1 ngày bình thường công ty thu toàn tuyến khoảng từ 3,3 - 3,4 tỉ đồng, cao điểm lễ, tết mỗi ngày có thể thu khoảng 5 - 6 tỉ đồng.

Theo Tổng công ty đầu tư và phát triển cao tốc VN (VEC), năm 2018 có 14,7 triệu lượt phương tiện qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, năm 2017 là 14,17 triệu lượt, năm 2016 là 13,31 triệu lượt và năm 2015 là 9,6 triệu lượt. Năm 2015, doanh thu thu phí của Long Thành - Dầu Giây là 615 tỉ đồng, với lưu lượng xe lưu thông trung bình vượt hơn 28.000 lượt xe ngày đêm.

Lãnh đạo chủ đầu tư đã lập tức lên tiếng, khẳng định bị “hiểu lầm” và hoàn toàn không có việc thu phí một đằng báo cáo một nẻo để trục lợi. Theo báo cáo của VEC E, sau vụ việc, số tiền hơn 3,2 tỉ đồng trong két sắt là tổng thu của 8 ca trực chứ không phải là 1 ca mà bao gồm tiền doanh thu của 2 ca ngày 4.2, 3 ca ngày 5.2 và 3 ca ngày 6.2. Ngoài ra, còn có tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày tết do ngân hàng không đổi tiền lẻ trong suốt dịp tết. Còn đối với ca 3 ngày 7.2, trước lúc bị cướp chỉ thu được khoảng hơn 300 triệu đồng.

Một báo cáo của Tổng công ty đầu tư và phát triển cao tốc VN (VEC) cho biết, 3 ngày tết, các tuyến cao tốc của tổng công ty đón 420.000 lượt phương tiện, trong đó cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đóng góp 30% trong các ngày 5 - 7.2 (mùng 1, 2 và 3 tết) với 126.000 lượt phương tiện, bình quân mỗi ngày 42.000 lượt phương tiện.

Long Thành - Dầu Giây đứng thứ 2 trong số những cao tốc "đẻ trứng vàng" của VEC, sau Nội Bài - Lào Cai, đóng góp lớn vào doanh thu "khủng" 2.700 tỉ đồng năm 2018 của VEC. Năm 2018, bình quân lượt phương tiện của HLD đạt hơn 40.000 lượt xe ngày đêm, ước tính doanh thu thu phí khoảng hơn 1.100 tỉ đồng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC, phủ nhận thông tin cao tốc HLD thu phí 7 - 8 tỉ đồng/ngày. Theo lãnh đạo VEC, các dự án cao tốc thu phí đều được giám sát qua hệ thống giám sát bằng máy tính, ngoài ra có đơn vị giám sát riêng là Trung tâm giám sát khai thác vận hành đường cao tốc VN, hằng ngày giám sát các tuyến, hậu kiểm lưu lượng phương tiện và số tiền thu phí.

“Các cao tốc của VEC sử dụng hệ thống thu phí kín bằng vé thẻ, các phương tiện ra vào tuyến cao tốc đều được lưu trên máy và được giám sát, nếu có chênh lệch sẽ phát hiện ra ngay”, ông Tuấn Anh nói.

Song, trên thực tế, VEC cũng từng “dính chàm” khi hệ thống thu phí kín của doanh nghiệp này bộc lộ sai sót, khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai từng bị phát hiện mất gần 140.000 vé thẻ năm 2015, nhưng tới nay chưa làm rõ được số tiền nhà nước bị thất thoát là bao nhiêu.

Trì hoãn thu phí tự động

Cuối năm 2018, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu để đảm bảo tiến độ đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc, VEC phải xây dựng phương án huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Theo tiến độ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 phải đầu tư 15 làn thu phí ETC trước 31.12.2018, giai đoạn 2 xong trước 31.12.2019; tuyến Nội Bài - Lào Cai triển khai giai đoạn 1 thực hiện 30 làn xong trước 30.3.2019, giai đoạn 2 xong trước 31.12.2019; tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây triển khai giai đoạn 1 thực hiện 10 làn xong trước 31.12.2018, giai đoạn 2 xong trước 31.12.2019.

Tuy nhiên, hiện tại, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây mới bố trí 8 cửa thu phí tự động không dừng (ETC) tại 3 trạm thu phí là Trạm thu phí Long Phước gồm 1 cửa vào và 1 cửa ra; Trạm thu phí QL51, bao gồm 4 phân trạm (2 phân trạm đầu vào; 2 phân trạm đầu ra), trong đó mỗi phân trạm bố trí 1 cửa ETC; Trạm thu phí Dầu Giây 1 cửa vào và 1 cửa ra, công nghệ được sử dụng là OBU của Nhật.

Ông Tuấn Anh cho rằng, VEC đã trình dự án thu phí tự động không dừng lên Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và vẫn đang đợi phê duyệt.

PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó viện trưởng Viện KHCN GTVT phía nam, đánh giá việc hầu hết các trạm thu phí trên cả nước đều tìm đủ mọi lý do “cãi lệnh” Thủ tướng Chính phủ, trì hoãn thu phí tự động không dừng cả 2 - 3 năm, sợ công khai minh bạch đã khiến tất cả mọi người đặt nghi vấn từ lâu. Chưa kể trước đó, nhiều trường hợp thanh tra của Bộ GTVT phát hiện một số hoạt động tiêu cực làm thất thoát doanh thu thu phí như Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu bình quân 1,97 tỉ đồng/ngày, nhưng theo báo cáo của nhà đầu tư chỉ 1,2 tỉ đồng/ngày, QL18 gian lận vé tại Trạm thu phí Đại Yên... càng khiến người dân thêm nghi ngờ đa số các trạm thu phí đều đang “ăn cắp” tiền của dân. Do đó, khi có sự cố xảy ra tại Trạm thu phí cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dư luận đặt vấn đề là hoàn toàn dễ hiểu.

Việc nghi ngờ cũng không phải không có căn cứ. Theo ông Hùng, tuyến đường từ TP HCM đi Vũng Tàu từ cách đây 5 - 10 năm đã rất đông xe, số tiền thu 1 tỉ đồng/ngày có thể đã thu được từ giai đoạn đó. Dựa vào tốc độ phát triển kinh tế, chiếu theo thực tế tuyến cao tốc HLD đã nhanh chóng quá tải như thế nào trong thời gian qua cũng có thể ước tính được số tiền thu phí phải tăng gấp bao nhiêu lần.

“Chủ đầu tư các dự án thường hay bám vào số liệu báo cáo lúc làm dự án để báo cáo tiền phí thu được, trong khi thực tế số lượng phương tiện đã tăng lên rất nhiều. Số tiền còn dư thì ỉm đi, đấy gọi là tiền thất thoát. Chỉ cần cơ quan chức năng buông lỏng, lơ là trong 1 năm thôi, chủ đầu tư cũng đã có thể “đút túi” được số tiền khổng lồ. Do đó, họ cứ âm thầm làm như vậy cho đến khi không may gặp sự cố và bị phát giác”, ông Hùng nói.

Vấn đề nằm ở "động cơ"

Từ những nhận định trên, Phó viện trưởng Viện KHCN GTVT phía nam cũng đặt vấn đề tại sao liên tục có các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các trạm thu phí nhưng đều không phát giác được gì, đợi đến khi người dân hoặc báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng mới chạy theo sau giải quyết? Vấn đề nằm ở năng lực, công cụ, thiết bị, phương pháp hay có sự thông đồng, lợi ích nhóm?

“Làm gì cũng phải có căn cứ. Không thể khơi khơi buộc tội cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Thanh tra, kiểm tra chỉ đi một đoạn, một lúc, chỉ dựa vào sổ sách, chứng từ thì rất khó để nhìn ra sai phạm. Với những điểm “nóng”, dễ xảy ra tiêu cực như các trạm thu phí, cần có sự vào cuộc một cách nghiêm túc của cơ quan chức năng để đảm bảo công bằng cho người dân, tránh xảy ra những phản ứng tiêu cực như đối với các trạm thu BOT trong thời gian qua”, PGS-TS Phạm Văn Hùng đề xuất.

Đồng tình, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường đại học Fulbright, cho rằng người dân nghi ngờ là có cơ sở và lực lượng thanh tra hoàn toàn có thể dễ dàng phát hiện sai phạm bằng cách bố trí nhân lực hoặc sử dụng công nghệ đếm số lượng phương tiện qua trạm, tính ra trung bình số tiền thu được trong 1 ngày và đối chiếu với báo cáo của chủ đầu tư.

Theo ông Du, luật pháp, công nghệ, kỹ thuật VN không thiếu, có thể nhanh chóng áp dụng, học hỏi từ nước ngoài nhưng chìa khóa không nằm ở kỹ thuật mà ở động cơ. Cán bộ thanh tra làm đến nơi đến chốn thì nhà nước, nhân dân được lợi nhưng họ vẫn chỉ là một cán bộ mẫn cán. Trong khi nếu cứ “mắt nhắm mắt mở”, dựa theo sổ sách mà quyết thì bản thân họ có khi lại được hưởng lợi lộc. Đó chính là cơ chế khuyến khích ngược đang tác động, phản ánh rất nhiều vấn đề trong xã hội VN hiện nay, khiến lợi ích nhóm, tham nhũng không thể được giải quyết dứt điểm. “Do đó, ngoài việc nhanh chóng đẩy nhanh toàn bộ việc thu phí tự động, minh bạch thông tin tại tất cả các làn, các trạm thu phí, cần mở rộng mạng lưới tai mắt từ nhân dân, cùng nhiều thành phần trong xã hội để hạn chế cơ hội tồn tại của lợi ích nhóm”, ông Du nêu quan điểm.

Khởi tố, bắt tạm giam hai bị can cướp hơn 2,2 tỉ đồng tại BOT Dầu Giây

Ngày 10/2, đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Nam Định) và Trần Tuấn Anh (26 tuổi, ngụ Tiền Giang) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Nam và Tuấn Anh là hai bị can đã cướp hơn 2,2 tỉ đồng (ngày 7/2, tức sáng mùng 3 tết) tại Trạm thu phí Dầu Giây thuộc đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

bot tp hcm long thanh dau giay bi cuop moi lo tien thu phi
Hoàng Nam (trái) và Tuấn Anh tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an tỉnh Đồng Nai).

Cũng theo đại tá Kim, Công an tỉnh Đồng Nai đang củng cố hồ sơ để xử lý thêm hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng đối với hai bị can trên. Về số tiền 2,2 tỉ đồng bị cướp, ông Kim cho hay đến nay Công an tỉnh Đồng Nai đã thu hồi hơn 2,1 tỉ đồng, còn thiếu vài chục triệu đồng.

Ông Kim cho biết thêm, hiện Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án nhưng khả năng ngoài hai bị can trên thì không còn đồng phạm nào khác.

Trước đó, vào lúc 7h ngày 7/2, Nam và Anh mang theo súng, dao, xông vào Trạm thu phí Dầu Giây, khống chế, uy hiếp các nhân viên kế toán, thủ quỹ và giám sát để cướp đi số tiền hơn 2,2 tỉ đồng trong két sắt. Số tiền bị hai bị can cướp lấy đi hơn 2,2 tỉ đồng, số tiền còn lại sau vụ cướp hơn 1 tỉ đồng.

Đến 23h ngày 7/2, lực lượng trinh sát của Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ Nam và Anh tại ga Sài Gòn khi cả hai vào mua vé để bỏ trốn. Sau khi bị bắt, cả hai đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo lời khai ban đầu của Nam và Anh tại cơ quan công an, sau khi cướp được tiền, tẩu thoát, cả hai chạy trốn bằng xe máy để sẵn bên ngoài. Chạy được khoảng 3 km tới khu vực gần đường ray xe lửa (thuộc xã Xuân Thạnh, H.Thống Nhất, Đồng Nai) thì tìm chỗ vắng đốt bộ quần áo bịt mặt, khẩu trang, găng tay và một số dụng cụ gây án... nhằm phi tang.

Sau đó, Nam chạy xe máy đến gửi ở Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (cách hiện trường gây án khoảng 5 km) rồi bắt xe đi TP HCM. Còn Tuấn Anh do bị đau chân nên đã chui vào một bụi rậm để trốn, đến 19h cùng ngày thì đi ra QL1 bắt xe lên TP HCM gặp Nam như đã hẹn tại ga Sài Gòn để chia tiền cướp được và mua vé tàu đi trốn thì bị bắt.

Theo VEC E, cả Nam và Anh từng là nhân viên bảo vệ (đã bị sa thải trước đó) của Công ty VEC E. Tại địa điểm hai bị can phi tang dụng cụ gây án, công an cũng đã phát hiện, thu giữ 1 khẩu súng, 1 con dao, 1 cây búa, 1 cái kìm; còn quần áo, khẩu trang, găng tay đã bị cháy rụi. Hai bị can khai nhận do cần tiền tiêu xài nên đã "lên kế hoạch" cướp từ trước tết, khẩu súng mà cả hai sử dụng để cướp được mua trên mạng xã hội với giá 6 triệu đồng, loại súng bắn đạn bi.

Lê Lâm

bot tp hcm long thanh dau giay bi cuop moi lo tien thu phi Vụ cướp trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây: Thu hồi thêm 700 triệu đồng

Sau khi cướp trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây, nghi can Nam đã đến nhà anh N. nhờ giữ giùm 700 triệu đồng và ...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.