Chứng khoán BSC cho biết, năm 2023, mục tiêu chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung chủ yếu vào điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Cho vay bán lẻ được dự báo vẫn sẽ là xu hướng kéo dài trong các năm tới. Cho vay bán lẻ vừa đem lại lợi suất cao hơn cho vay bán buôn vừa giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm rủi ro tập trung khi quy mô cho vay trên khách hàng thấp, từ đó có thể đa dạng hóa danh mục cho nhiều khách hàng.
Bên cạnh các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, BSC nhận thấy NHNN đang ưu ái hơn về room tín dụng cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao trong dư nợ.
BSC dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong 2023 sẽ hạ nhiệt xuống khoảng 12% khi tăng trưởng GDP được dự báo giảm tốc do xuất khẩu chậm lại.
Thanh khoản hệ thống cũng là vấn đề cần được ưu tiên khi cung tiền tăng trưởng yếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có những bước lùi, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Tính đến hết quý III/2022, tổng dư nợ TPDN nắm giữ trong danh mục đầu tư của một số ngân hàng niêm yết lớn ở mức 218.221 tỷ đồng (tương ứng với 2,2% tổng dư nợ tín dụng các doanh nghiệp thống kê, giảm 6% so với quý II/2022 về quy mô).
Có một vài ngân hàng có định hướng về việc đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, do lãi suất cao hơn các khoản vay thông thường và danh mục trải dài các ngành giúp giảm thiểu rủi ro. Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp có sự phân hóa giữa các ngân hàng, chỉ tập trung ở 4 ngân hàng TMCP chính.
Hiện nay, Nghị định 153 đang ảnh hưởng đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản. BSC cho rằng bất động sản chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu cho vay, tác động rủi ro đến an toàn hệ thống ngành ngân hàng là không lớn. Tuy nhiên, rủi ro về việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư này sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận một số ngân hàng trong năm 2023.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 vào đầu tháng 12/2022 vừa qua. Theo đó, nhiều quy định (về vấn đề xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu, xếp hạng tín nhiệm, …) sẽ được dời thời điểm thực hiện sang 1/1/2024.
Dự thảo mới này được kỳ vọng sẽ giảm các áp lực về thanh khoản trong ngắn hạn bằng cách kéo dài thời gian cho những khoản nợ chưa tới hạn. Dù vậy, khả năng cân đối dòng tiền của vài doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Căng thẳng tỷ giá USD/VND không có dấu hiệu suy giảm. Việc FED liên tục nâng lãi suất điều hành khiến đồng USD mạnh lên đã tạo áp lực lên tỷ giá và buộc NHNN tăng lãi suất điều hành từ quý III/2022, sau khi đã liên tục bán ròng USD khiến dự trữ ngoại hối giảm mạnh và nâng biên độ trần - sàn tỷ giá trung tâm từ 3% lên 5%.
Thực tế là ngay khi NHNN tăng lãi suất điều hành, cuộc đua nâng lãi suất huy động cũng đã diễn ra giữa các NHTM. Thanh khoản cũng suy yếu khi tăng trưởng huy động vẫn đang lệch pha khá xa so với tăng trưởng tín dụng.
NHNN vừa công bố cách tính tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) mới, theo đó, BSC đánh giá có nhóm NHTM quốc doanh sẽ được giảm bớt áp lực về LDR nhờ phần tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN), từ đó có nhiều dư địa hơn để cho vay.
Ngược lại, nhóm NHTM tư nhân không được hưởng lợi nhiều khi Thông tư mới này không đưa phần vốn chủ sở hữu vào cách tính LDR như dự thảo trước đây.
Mặt khác, môi trường lãi suất cho vay cao, người dân bắt đầu có xu hướng rút bớt tiền cho hoạt động kinh doanh khi khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế, bên cạnh đó, phân bổ sang các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơn. Do đó, BSC dự báo xu hướng CASA (tiền gửi không kỳ hạn) giảm sẽ tiếp diễn sang năm 2023.
BSC dự báo tỷ suất lợi nhuận ròng toàn hệ thống sẽ giảm nhẹ trong năm 2023. Nguyên nhân chính đến từ việc NHNN có thể sẽ cần duy trì môi trường lãi suất cao một khoảng thời gian để đối phó với lạm phát, lãi suất đầu ra khó tăng kịp với lãi suất đầu vào, nguồn vốn rẻ CASA chịu áp lực sẽ tác động tiêu cực lên chi phí huy động.
Tác động lên tỷ suất lợi nhuận ròng của từng ngân hàng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như tỷ lệ CASA, LDR, tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản và nắm giữ TPDN,…
Chất lượng tài sản ngành ngân hàng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên có rủi ro suy giảm do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và TPDN. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành có xu hướng gia tăng trong năm 2022 khi Thông tư 41 hết hiệu lực từ quý II/2022. Theo đó, các NHTM cũng đã chủ động củng cố trích lập dự phòng trong 2 năm qua.
Trước rủi ro về khả năng tái cơ cấu nợ và tạo ra dòng tiền của các chủ đầu tư bất động sản lớn, BSC cho rằng tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nói trên được thông qua, các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn thêm 2 năm.
Song, dòng tiền của doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư vẫn đang là các vấn đề cần quan tâm nhất. Do đó, BSC dự báo chi phí tín dụng sẽ gia tăng trong năm 2023 và các ngân hàng có thể sẽ phải quay lại củng cố bộ đệm dự phòng.
Tuy nhiên, cấu trúc hệ thống và sức khỏe của ngành ngân hàng hiện tại tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi các khoản cho vay doanh nghiệp đã được đánh giá và kiểm soát rủi ro chặt chẽ. BSC đánh giá cao các ngân hàng có bộ đệm dự phòng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn sẽ chịu ít áp lực hơn so với phần còn lại.