17 kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản với ngành ngân hàng

Các doanh nghiệp kiến nghị tăng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sảnm, tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng nhà ở xã hội, có chính sách riêng về tín dụng đối với cho bất động sản du lịch...

Sáng ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản  với sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại, các Hiệp hội doanh nghiệp và Hiệp hội ngân hàng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những khó khăn vướng mắc về tín dụng bất động sản theo ý kiến phát biểu của đại biểu tựu chung lại có một số vấn đề như mục đích vay vốn, lãi suất cao hơn lãi suất cho vay lĩnh vực khác, hệ số rủi ro áp dụng cao hơn lĩnh vực khác, hạn mức cấp tín dụng, tỷ lệ giá trị cho vay trên tài sản đảm bảo, chính sách, quy định pháp lý về bất động sản thay đổi nhiều, còn nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong hoạt động tín dụng của ngân hàng…

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp bất động sản (là người đi vay) đã có 17 kiến nghị, đề xuất đối với ngành ngân hàng, bao gồm:

  1. Làm rõ, bổ sung quy định về mục đích vay vốn;

  2. Làm rõ, bổ sung quy định về giải ngân;

  3.  Làm rõ, bổ sung quy định về kiểm soát bất động sản theo mục đích;

  4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ;

  5. Xem xét hệ số rủi ro, gia hạn thời gian thực hiện quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn;

  6. Xem xét tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo;

  7. Có hướng dẫn chính sách về tín dụng đối với phát triển các khu đô thị;

  8. Tăng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản; 

  9. Tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng nhà ở xã hội;

  10. Có chính sách riêng về tín dụng đối với cho bất động sản du lịch; 

  11. Xem xét một số nội dung tại dự thảo Thông tư hướng dẫn vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN; 

  12. Cho vay với thời hạn dài hơn thời gian thực hiện dự án; 

  13. Phối hợp với Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp; 

  14. Miễn, giảm lãi phí; 

  15. Cân nhắc về điều kiện vay vốn (bỏ Giấy phép xây dựng); 

  16. Sửa Thông tư 16/2021/TT-NHNN theo hướng cho TCTD được đầu tư trái phiếu để cơ cấu lại khoản nợ theo tinh thần Nghị định 65/NĐ-BTC;

  17. Nghiên cứu một gói tín dụng cho vay nhà ở tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực hiện từ năm 2013. 

Trong số những kiến nghị này có những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức tín dụng, có những kiến nghị thuộc thẩm quyền của NHNN.

Theo Cổng TTĐT NHNN, phía các ngân hàng thương mại cũng có nhiều ý kiến. Trong đó, đại diện các ngân hàng giải thích rõ về những khó khăn của ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản cần thấu hiểu và có góc nhìn công bằng hơn. Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã quan tâm và dành một lượng vốn lớn cho lĩnh vực bất động sản. 

Bên cạnh đó, phía các ngân hàng cho rằng Hiệp hội Bất động sản cần xây dựng danh mục chung về cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc cấp tín dụng. Mặt khác, Bộ xây dựng cần làm rõ khái niệm đầu cơ bất động sản để các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc cấp tín dụng.

Về kiến nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các ngân hàng cho rằng cần cân nhắc thận trọng từ góc độ an toàn hệ thống và kiểm soát nợ xấu. Doanh nghiệp cũng cần cơ cấu sản phẩm hợp lý, sử dụng vốn phù hợp, cân nhắc giảm giá bất động sản để bán và có dòng tiền.

Cuối cùng, các ngân hàng đều có ý kiến sẽ tiếp tục đồng hành, cung ứng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản trên cơ sở thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và kiểm soát rủi ro, đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.