Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết trong thời gian qua, bệnh dịch tả heo châu Phi tái bùng phát tại 12 địa phương với 35 xã đang có dịch, báo Nghệ An đưa tin.
Cụ thể gồm Kỳ Sơn hai xã, Nghi Lộc 6 xã, Quế Phong 5 xã, Hưng Nguyên 8 xã, Quỳ Hợp hai xã, Tương Dương hai xã, Anh Sơn ba xã, TP Vinh ba xã. Các huyện như Yên Thành, Con Cuông, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, mỗi huyện có một xã.
Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo bệnh dịch tả heo châu Phi đã tái phát trở lại trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 9 đến nay, đặc biệt là sau đợt mưa lũ vừa rồi, dịch tiếp tục tái phát. Dự báo trong thời gian tới đây bệnh dịch này sẽ bùng phát mạnh hơn.
Để phòng dịch bệnh, người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc-xin các loại bệnh dịch khác và chăn nuôi an toàn sinh học; không nên mua thực phẩm của những người đi bán rong, khi có heo ốm không được bán chạy, không sử dụng thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn...
"Người dân nên mua vắc-xin tiêm phòng tại trung tâm dịch vụ nông nghiệp của huyện để đảm bảo hệ miễn dịch cao và có căn cứ làm hồ sơ hỗ trợ của Nhà nước khi xảy ra dịch", ông Ngô Đức Quỳnh khuyến cáo.
Hiện Nghệ An đã có kế hoạch triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật đợt ba năm 2020.
Trong đó, tập trung phun tiêu độc, khử trùng tại các vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, các ổ dịch cũ và ổ dịch mới xuất hiện, thực hiện đồng loạt tại 21 huyện, thành, thị, trong phạm vi cả tỉnh từ ngày 20/9 - 20/10.
Về lâu dài, tỉnh đang xây dựng, ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi giai đoạn 2020 - 2025 nhằm chủ động giám sát phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống.
Chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn và phát triển đàn heo theo hướng bền vững, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng, môi trường và các hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Nghệ An.
Tuy nhiên, trước mắt, khi dịch bệnh đang tái phát và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, các địa phương và người chăn nuôi phải chủ động ngay các biện pháp phòng, chống theo đúng hướng dẫn của ngành Thú y.
Tại những vùng chưa có dịch, phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, cách li, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đồng thời sử dụng thức ăn, thuốc thú y có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn, hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp; đồng thời vệ sinh, sát trùng phương tiện, dụng cụ, bao bì chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.