Các dòng sông ngày càng ô nhiễm, Bộ TN&MT nói gì?

Theo lãnh đạo Bộ TNMT, trong vòng 50 năm qua, nhu cầu dùng nước đã tăng gấp 3 lần. Đô thị hóa càng phát triển, nhất là ở khu vực các sông như Nhuệ, Đáy, Cầu, Bắc Hưng Hải thì các khu công nghiệp, khu dân cư ngày càng lấp đầy, mật độ dân số ngày càng gia tăng. Từ đây, nước sinh hoạt cũng được sử dụng và thải ra nhiều hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).  

Ngày 4/6, tại phiên họp thuộc Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết giải pháp và kế hoạch của cơ quan này trong thời gian tới nhằm hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng, không thể sử dụng nước sông vào bất cứ mục đích gì, trong đó có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong Luật Tài nguyên nước đã có nội dung liên quan đến câu chuyện phục hồi các dòng sông chết (các dòng sông vừa ô nhiễm nặng, vừa không có dòng chảy). 

Hiện nay, một số sông như sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu.. đều đang ở mức ô nhiễm nặng. Thời gian qua, các địa phương và Bộ TN&MT đã tích cực cải tạo, song chưa được bao nhiêu.

Lý do bởi với hầu hết các khu công nghiệp xả thải ra các dòng sông này, chúng ta cơ bản kiểm soát, đơn cử như tại Hưng Yên đã ban hành quy chuẩn riêng của tỉnh. Vậy nhưng với cụm công nghiệp và làng nghề thì chưa đủ nguồn lực để xử lý dứt điểm (gồm nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thu gom, hệ thống xử lý). 

Với đô thị lớn như Hà Nội, một ngày xả thải khoảng 260.000 m3 vào Bắc Hưng Hải; xả vào sông Nhuệ, sông Đáy khoảng 65% là nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Hiện nay, Hà Nội đã quy hoạch các nhà máy xử lý nước thải tại Gia Lâm và Long Biên với công suất 180.000 m3. Đề nghị thành phố đốc thúc, sớm thực hiện.

Ông Khánh đề xuất giải pháp: "Đầu tiên, các địa phương cần chung tay để cùng nhau thu gom, xử lý nước thải đồng bộ.

Thứ hai, là tập trung lưu thông dòng chảy cho sông. Ví dụ tại kênh Bắc Hưng Hải, có thời điểm bị treo, tức nước ở sông Hồng không vào được. Hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trạm bơm cục bộ cho mùa hạ. Song, thực chất đây không phải là giải pháp căn cơ. Giải pháp căn cơ là phải giữ được nước và nước chảy tự nhiên với lưu lượng lớn, như vậy mới điều hòa được dòng chảy.

Thứ ba, là về vấn đề quản lý. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban Quản lý lưu vực sông, đây là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ ngành. Cùng với đó, có một ủy ban để điều phối riêng vấn đề này.

Ngoài ra, đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này". 

Một góc sông Đáy. (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ). 

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu góp ý, theo trả lời của Bộ trưởng, các dòng sông bị ô nhiễm đi qua nhiều tỉnh và có mức độ xả thải lớn. Song, chính vì đi qua nhiều tỉnh nên Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường đã giao Bộ TN&MT chủ trì từ việc đánh giá nguồn xả thải đến việc xử lý môi trường. 

"Vậy trách nhiệm của Bộ trong việc tổ chức thực hiện Luật như thế nào khi để xảy ra trình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng?

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nói để xử lý các dòng sông chết cần thời gian và nguồn lực. Nhìn vào Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, đến nay đã thành lập đến nhiệm kỳ thứ 5, nhưng tình trạng ô nhiễm thì không giảm. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ cần thời gian bao lâu.

Liên quan đến nguồn lực thực hiện, điều này đòi hỏi ở cả phía Trung ương lẫn địa phương. Bộ trưởng đã xây dựng, triển khai dự án chưa? Phương hướng xử lý tổng thể cho tình trạng ô nhiễm này được thực hiện như thế nào? Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe và đời sống của hàng chục triệu dân ở các vùng lưu vực sông", ông Toàn đặt vấn đề.

Trả lời ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, hiện trong luật có quy định về tổ chức và quản lý lưu vực sông, do Thủ tướng quyết định, điều hành và chỉ đạo. Công tác xây dựng thế chế nội dung này được thực hành bài bản. 

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp cùng Bộ Công an và các địa phương thanh tra, kiểm tra, xử phạt nhiều vi phạm. Các dòng sông bị ô nhiễm bởi nước thải từ sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề. Hiện Bộ TN&MT cùng các địa phương nằm trên lưu vực sông đã tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát, có kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm.

"Về câu hỏi tại sao các dòng sông vẫn thế và ngày càng có vẻ ô nhiễm nặng hơn của đại biểu Toàn, xin trả lời khi phát triển kinh tế - xã hội thì nhu cầu dùng nước sẽ lên. Trong vòng 50 năm qua, nhu cầu dùng nước của chúng ta đã tăng gấp 3 lần.

Đô thị hóa càng phát triển, nhất là ở khu vực các sông như Nhuệ, Đáy, Cầu, Bắc Hưng Hải thì các khu công nghiệp, khu dân cư ngày càng lấp đầy, mật độ dân số ngày càng gia tăng. Từ đây, nước sinh hoạt cũng được sử dụng và thải ra nhiều hơn. Chưa kể khác với thời xưa, nước thải sinh hoạt hiện nay chứa nhiều hóa chất (từ dầu gội đầu, nước rửa chén,...).

Thời gian tới, Bộ TN&MT cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm trạm bơm ở Bắc Hưng Hải để xử lý cục bộ vấn đề này; có dự án nạo vét trầm tích, bùn đất bị lắng đọng nhiều năm qua để khơi thông dòng chảy. 

Ngoài ra, cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ các dòng sông này. Bộ TN&MT đang đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng đề án nghiên cứu thí điểm tổng thể đối với sông Bắc Hưng Hải và sông Nhuệ - Đáy, trong đó phối hợp cùng các địa phương để có lộ trình, kế hoạch xử lý vấn đề môi trường trong thời gian tới", ông Khánh thông tin. 

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.