Tô Lịch vì đâu trở thành dòng sông chết?

Theo các chuyên gia, những điều kiện tự nhiên, khí hậu bất lợi cùng với tác động của con người đã khiến Tô Lịch lâm vào cảnh "thoi thóp" như hôm nay.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn đang đau đầu với "ma trận" công nghệ, giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch ở Hà Nội. Nhiều biện pháp đã được đề xuất, mới đây nhất là máy sục khí công nghệ Bio-Nano của Nhật cho đến chế phẩm làm sạch Redoxy-3C của Đức, nhưng chưa thể hiện rõ hiệu quả, dẫn đến việc con sông giữa lòng thủ đô bị bức tử hàng chục năm qua.

GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi), chuyên gia về sông ngòi ở Việt Nam, người dành nhiều thời gian nghiên cứu dòng chảy sông Hồng đã có những phân tích, đánh giá chi tiết về nguồn gốc ô nhiễm sông Tô Lịch.

Trao đổi với Zing.vn, ông cho rằng sông Tô Lịch bị mất dòng chảy là kết quả của quá trình thay đổi địa chất, điều kiện tự nhiên hàng trăm năm. Việc con sông bị ô nhiễm dưới tác động của con người là điều dễ hiểu bởi từ lâu Tô Lịch đã không còn là một con sông đúng nghĩa.

Tô Lịch vì đâu trở thành dòng sông chết? - Ảnh 1.

Sông Tô Lịch giờ chỉ còn dài khoảng 14 km, nước sông thường xuyên đen, bốc mùi hôi thối do ô nhiễm nặng. (Ảnh: Việt Linh).

Sự hình thành của con sông

- Sông Tô Lịch được hình thành thế nào và điều kiện tự nhiên lúc trước ra sao thưa ông?

- Theo nghiên cứu của tôi, Tô Lịch lúc đầu là phân lưu của sông Hồng chảy vào sông Nhuệ. Nước chảy theo những triền đất địa hình thấp, dần bào mòn lòng dẫn để trở thành các con sông nhỏ. Từ những chứng cứ về địa chất, có thể thấy Tô Lịch khởi đầu là sông tự nhiên.

Tô Lịch vì đâu trở thành dòng sông chết? - Ảnh 2.

GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi) cho rằng Tô Lịch khó có hy vọng được hồi sinh. Ảnh NVCC.

Tùy từng vùng có điều kiện địa lý, địa chất khác nhau nên quá trình xói mòn cũng để lại dấu vết đa dạng, tạo ra những khe theo hình ngoằn ngoèo. Ban đầu, cửa sông Tô Lịch ở phố Cầu Gỗ, chảy theo hướng bắc Hà Nội, sau lại chuyển sang phía tây, rồi qua phía đông huyện Từ Liêm, huyện Thanh Trì, quanh co gần 100 km, rồi mới chảy vào sông Nhuệ.

Từ xa xưa, con người chưa biết đắp đê, nên hàng năm vào mùa lũ, nước sông tràn vào vùng đất thấp hai bên bờ sông, đem theo phù sa nên tạo nên những cánh đồng phì nhiêu.

Thời gian hình thành không rõ từ năm nào, nhưng cũng phải cách đây 1.000 năm. Trong cuốn Lịch sử thuỷ lợi Việt Nam (chủ biên Phan Khánh), có ghi chép:

"Ở Thăng Long, nơi có nhiều ruộng quốc khổ của nhà vua, năm Nhâm Tý (1192), Lý Cao Tông cho đào sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch từ Hồ Tây chạy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai trổ thẳng xuống Cống Xuyên. Thời nhà Lý, hồ Tây còn liền với sông Hồng. Sông Tô Lịch chảy qua một vùng đất màu mỡ nhất giữa đất Thăng Long, có tác dụng tưới nước Hồ Tây khi mùa khô, tiêu úng ra sông Nhuệ khi mùa mưa …”.

Vì sao sông bị "chết"?

- Ông có thể phân tích những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến việc dòng chảy con sông bị mất và quá trình này diễn ra thế nào?

- Để phân tích được vì sao sông chết, ta phải quay lại câu chuyện sông Tô Lịch được sinh ra từ đâu. Như đã nói trên, sông là một nhánh của sông Hồng, vì địa hình kiến tạo nên hình thành con sông hình dáng như vậy.

Tuy nhiên, khi xưa hoạt động trị thủy của con người chưa phát triển nên bờ sông luôn thay đổi, khi thì bờ này bị lở, bờ kia bị bồi và ngược lại. Chính do quá trình đó nên cửa sông Tô Lịch cũng bị phù sa của sông bồi lấp. 

Không có nước lũ của sông Hồng chảy vào nên nhiều đoạn sông bị chết, nước sông lúc này chủ yếu được cung cấp bởi mưa và nước thải sinh hoạt của con người.

Vì vậy, do điều kiện địa chất thay đổi và kiến tạo trái đất, đã tạo nên địa hình lòng dẫn cho dòng nước sông Hồng khi tràn vào để hình thành sông Tô Lịch. Và cũng chính do sự thay đổi bờ nên sông Hồng đã cắt nguồn nước vào sông Tô Lịch, dẫn đến "cái chết" của dòng sông này. Bây giờ, Tô Lịch thực chất chỉ là đường tiêu nước cho nội thành Hà Nội.

Tô Lịch vì đâu trở thành dòng sông chết? - Ảnh 3.

Hai bên bờ sông được kè bằng bê tông, đặt khoảng gần 250 ống xả. Mỗi ngày sông tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải. Ảnh: Sơn Hà.

- Dấu tích cho thấy sông Tô Lịch có đoạn bị lấp từ Cầu Gỗ đến Bưởi. Theo ông đây có phải một trong những nguyên nhân khiến dòng sông chết không?

- Theo tôi, việc đoạn sông bị lấp ảnh hưởng đến dòng chảy con sông nhưng không phải yếu tố quyết định. Nguyên nhân đầu tiên tạo nên lòng dẫn của Tô Lịch là cuộc vận động kiến tạo và quá trình phong hoá lâu dài. Còn dòng chảy của sông Tô Lịch lại chính do sông Hồng cung cấp. Việc "chết dần" của sông Tô Lịch chủ yếu do mất nguồn nước từ sông Hồng cung cấp.

- Việc Hà Nội đô thị hóa mạnh, dân cư tăng nhanh kèm theo áp lực về nước thải, rác thải có phải một nguyên nhân dẫn đến cái chết cho con sông này?

- Đúng là sự nóng lên của đô thị là tác nhân dẫn đến nhiều vấn đề môi trường, không chỉ riêng đối với sông Tô Lịch. Con sông hiện nay đang phải chịu hàng trăm nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý chảy vào hàng ngày. Nhưng theo tôi, đây là một tác nhân chứ không phải nguyên nhân chủ yếu.

Nhớ lại vào tháng 11/2008, một trận mưa lịch sử khiến nước sông đầy ắp, trong vắt như xưa. Lúc đó, lượng bùn được làm loãng, chất ô nhiễm không còn đậm đặc, nước sông chảy cuồn cuộn, có cả cá bơi. Trận lụt đó làm con sông "sống trở lại" dù chỉ trong vài tuần lễ.

Có thể nói chỉ cần lấy lại được dòng chảy tự nhiên, tự khắc con sông sẽ được "hồi sinh", lấy lại được khả năng tự làm sạch. Nước thải làm con sông ô nhiễm nghiêm trọng, những không có nghĩa nó trực tiếp làm con sông chết đi.

Tô Lịch vì đâu trở thành dòng sông chết? - Ảnh 4.

Trong quá trình đô thị hóa, bồi lấp của sông Hồng, nhiều đoạn của sông Tô Lịch (màu đỏ) chạy dọc đường Thụy Khê rồi đổ ra sông Hồng bị chặn, lấp. Con sông bị mất dòng chảy và chỉ còn đoạn như ngày nay (màu xanh). (Đồ họa: Phượng Nguyễn)

Khó có thể coi Tô Lịch là sông

- Điều kiện địa lý, tự nhiên hiện tại của sông Tô Lịch khác gì so với trước kia?

- Thứ nhất, phải nhận định rõ rằng Tô Lịch hiện giờ không còn đủ các điều kiện để được coi là một con sông. Một con sông cần đáp ứng đủ 2 yếu tố là có động năng dòng chảy và có nguồn nước cấp thường xuyên.

Con sông phải có lòng dẫn tự nhiên, có bùn cát và hàng năm phải được cung cấp thêm. Điều này lúc ban đầu thì sông Tô Lịch đã có, nhưng sau khi cửa sông bị lấp, nhiều đoạn sông chết khiến con người phải đào ra, xây lại. Hiện, đoạn sông chảy song song với đường Láng là do con người tác động đến, và trở thành một đường thoát nước, mất đi tính tự nhiên.

Còn điều kiện về động năng dòng chảy của Tô Lịch cũng không còn. Đây là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình diễn biến dòng sông. Nó cần có dòng nước mà trong đó có bùn cát với những quy luật hoạt động riêng để giữ được hình dạng của lòng dẫn. Rõ ràng sông Tô Lịch ngày nay không còn nữa. Bàn tay con người đã biến sông Tô Lịch thành một đường thoát nước cho nội thành Hà Nội.

Tô Lịch vì đâu trở thành dòng sông chết? - Ảnh 5.

Nhiều công nghệ được áp dụng làm sạch sông Tô Lịch, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Ảnh: Sơn Hà.

- Những điều kiện địa lý, tự nhiên như vậy ảnh hưởng thế nào đến nỗ lực làm sạch, khơi thông dòng sông này?

Dù khó chấp nhận, nhưng sự thật là không bao giờ sông Tô Lịch trở lại là một dòng sông tự nhiên như ban đầu của nó. Các điều kiện tự nhiên khách quan là thách thức lớn nhất cho các nhà khoa học muốn làm sống lại sông Tô Lịch giờ đây.

Sông Hồng hiện nay thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt, nhất là vào mùa khô. Đường dẫn nước từ sông Hồng vào giờ cũng bị lấp, đào lại đường dẫn là điều không tưởng, bơm nước thì quá tốn kém, không làm liên tục được.

Cùng với nhiều nhà khoa học, trước kia chúng tôi đã tính đến nhiều phương án để dẫn nước từ sông Hồng để làm sống lại sông Tô Lịch, nhưng đều không khả thi. Mặt khác, sông Hồng có những đặc tính tự nhiên hết sức phức tạp, việc trị thủy, tác động dòng chảy phải hết sức cân nhắc vì co thể để lại những tác động nguy hiểm khôn lường.

Chúng ta phải chấp nhận sự hiện trạng của con sông hiện nay chỉ là một đường thoát nước thải của thành phố, để con sông có dòng chảy, nước cuồn cuộn, trong xanh như trước là không thể thực hiện được.

Thí điểm công nghệ Nhật làm sông Tô Lịch giảm mùi hôi sau 3 ngày Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản bắt đầu sáng 16/5 tại Hà Nội.
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.