Quy hoạch Thủ đô: Quyết tâm ‘hồi sinh’ các dòng sông chết

Mới đây, Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để dòng sông ô nhiễm, làm sống lại hình ảnh các dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông chết qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Tuy nhiên, những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô, kể cả sông lớn như: Nhuệ, Đáy cũng như các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). (Ảnh: Internet).

Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất chậm được khắc phục. Đặc biệt, chất lượng nước sông Đáy, Nhuệ vẫn không có dấu hiệu được cải thiện, luôn duy trì ở mức kém hoặc rất kém. "Tại các sông nội thành như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, kết quả quan trắc phản ánh tình trạng bị ô nhiễm nặng", quy hoạch nêu.

Trước tình trạng trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được thành phố Hà Nội đặt ra là giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch. Thành phố cũng đặt mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, bảo đảm hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Bảo đảm quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Một giải pháp "đa mục tiêu" trong đó có việc hướng tới làm sạch các dòng sông ở Hà Nội đang được đề xuất thực hiện là xây dựng các đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống.

Theo quy hoạch, dự kiến Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông.

Trước đó, tại hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc làm đập tràn trên sông Hồng để bảo đảm môi trường cho toàn bộ Hà Nội và vùng xung quanh. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.

Cùng vấn đề trên, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng thống nhất đề xuất xây dựng một số đập trên sông Hồng và sông Đuống nhằm dâng nước, tạo nguồn tự chảy thường xuyên, liên tục vào các sông của Hà Nội. Việc này nhằm bảo đảm dòng chảy môi trường, tránh tình trạng ứ đọng, ô nhiễm, trả lại khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm cho sông.

Đề án cũng hướng tới việc điều hòa, kiểm soát lượng dòng chảy phân lưu từ sông Hồng sang sông Đuống, sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.

Ngăn chặn nước thải và chất thải đổ xuống sông

Từ nhiều năm trước, TP Hà Nội đã chỉ ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm, làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng. Từ năm 2013, TP. Hà Nội đã đưa Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu.

Ngoài ra, nhiều dự án cũng được TP Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm.

Tháng 10/2016, Hà Nội đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng với mục tiêu xử lý nước thải thuộc các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì.

Đến nay, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270 nghìn m3/ngày đêm) đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến trong quý 2/2024 sẽ vận hành thử nghiệm nhà máy.

Để thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, là giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là TP Hà Nội sẽ xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.

Cụ thể, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Liên quan đến các dự án xây dựng đập dâng trên sông Hồng, sông Đuống, TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc nâng mực nước sông Hồng sẽ giúp phục hồi cảnh quan sông Hồng. Theo ông Thắng, ở Hà Nội có nhiều dòng sông cạn trơ đáy, người dân đổ nhiều chất thải nên gây ô nhiễm. Nếu cứ để như vậy, nhiều dòng sông sẽ biến mất. Nếu triển khai đề án xây dựng đập dâng, nhiều dòng sông ở Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy sẽ lấy nước từ sông Hồng, có dòng chảy, như vậy sẽ phục hồi được cảnh quan môi trường, không chỉ cho Hà Nội mà cả vùng Thủ đô.

Trong khi đó, TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, giải pháp quan trọng nhất trong việc làm sạch sông Tô Lịch là không cho nước thải đổ xuống sông. Hai bên bờ sông Tô Lịch có gần 300 cống lớn nhỏ. Hằng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông. Nếu không tách được nước thải, mọi giải pháp đều khó hồi sinh được sông Tô Lịch.

TS Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội đã chú trọng nhiều giải pháp tách nước thải khỏi sông Tô Lịch, thông qua việc thực hiện Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD.

Dự án này có vai trò rất quan trọng đối với môi trường thành phố, đặc biệt là việc hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên, dự án khởi công đã nhiều năm nhưng chưa hoàn thành. Theo bà An nhấn mạnh, Hà Nội cần quyết liệt thúc tiến độ dự án, xác định nguyên nhân và đề cao tính trách nhiệm tập thể, cá nhân thì mới có thể khắc phục được.

PGS, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, để có thể "hồi sinh" các dòng sông, cần xác định căn nguyên gây ô nhiễm và lượng nước thải để có giải pháp khả thi, phù hợp từng giai đoạn...

Trong khi đó, một số chuyên gia môi trường cho rằng, Hà Nội cần có cách tiếp cận tổng hợp, đồng bộ trên các lĩnh vực như: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt sông.

Song hành, TP Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, làng nghề vào khu xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường…

Sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14 km, bắt nguồn từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), đổ ra sông Nhuệ - đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Dòng sông này luôn gắn bó với đời sống cư dân nội thành, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa. Đáng tiếc, trong vài thập niên gần đây, sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông.
chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.