Đề xuất tăng đất phát triển đô thị ở hai khu vực quy hoạch lên thành phố trực thuộc Hà Nội

Đó là một trong những đề xuất được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đưa ra tại hội thảo liên quan đến lập quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Một góc TP Hà Nội hiện nay. (Ảnh: Vietnamnet).

Theo Cổng TTĐT TP Hà Nội, ngày 1/8, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị liên danh tư vấn phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sở ngành, chuyên gia về phương án phát triển không gian đô thị, nông thôn tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo tóm tắt về định hướng phát triển không gian đô thị, nông thôn tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị danh tư vấn) cho biết, mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại.

Cùng với đó, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, dự kiến phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.

Phương án quy hoạch cũng đề cập sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị.

Về không gian xây dựng đô thị Hà Nội, sẽ phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng.

Các trung tâm cấp quốc gia nằm phía nam sông Hồng, các trung tâm chức năng quốc tế nằm phía bắc sông Hồng. Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm thành phố Hà Nội tiếp tục giữ tại khu vực Hồ Gươm.

Phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo… để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô.

Bên cạnh đó, dự trữ không gian để phát triển các chức năng, trung tâm mới trong tương lai tại phía tây và phía bắc. Xem xét lại Phương án di dời trường học, bệnh viện, nhà máy.

Đối với phương án phát triển nông thôn, tổ chức không gian mạng lưới các khu dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phân bố hệ thống điểm dân cư nông thôn, bố trí sáp nhập các xã. Xác định các vùng, khu vực dành cho mục tiêu phát triển các khu dân cư nông thôn trên địa bàn Thủ đô theo từng giai đoạn quy hoạch.

Xây dựng mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống khu dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội (mô hình dân cư vùng nông nghiệp, mô hình dân cư vùng ven các đô thị...).

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.