Hà Nội dự kiến đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp, xử lý 100% các cơ sở nhà, đất thuộc thành phố quản lý, sử dụng

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội còn gần 840 địa điểm nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở (gọi là quỹ nhà chuyên dùng). Quỹ nhà này chủ yếu được xác lập khi thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa của Nhà nước những năm 1960, một phần quỹ nhà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, với tổng diện tích nhà 178.148 m2, diện tích đất 155.156 m2, hiện nay có 801 địa điểm (803 hợp đồng) tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê; các địa điểm còn lại do UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý, sử dụng cho thuê.

Qua kiểm tra rà soát, việc quản lý Nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài. Nhiều trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật; hiệu quả sử dụng, hiệu quả kinh tế thấp không tương xứng với giá trị và số lượng nhà đất.

Cụ thể, việc theo dõi, ghi số các địa điểm nhà, đất đã ký hợp đồng thuê nhà, các địa điểm chưa ký hợp đồng thuê nhà chưa đảm bảo đầy đủ, không cập nhật kịp thời biến động; việc thiết lập, bổ sung hoàn thiện hồ sơ đối với từng địa điểm nhà thuê chậm nên nhiều điểm chưa có hồ sơ.

Đáng chú ý, việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng không được duy trì thường xuyên dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm (cho thuê lại, liên doanh liên kết, chuyển ở, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận); một số tranh chấp, vướng mắc về diện tích. Trong khi đó, đơn vị quản lý, vận hành chưa có biện pháp chấn chỉnh, chưa kịp thời báo cáo để xử lý theo quy định.

Kiểm tra thực tế của đơn vị chức năng cho thấy, việc cải tạo, sửa chữa quỹ nhà chuyên dùng đa phần do người sử dụng tự cải tạo sửa chữa cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nhiều điểm nhà trong tình trạng xuống cấp chưa được lập kế hoạch và thực hiện cải tạo, sửa chữa.

Cơ chế quản lý, sử dụng diện tích nhà tăng thêm sau cải tạo, sửa chữa chưa có cơ chế xử lý (đặc biệt chi phí này đã được ghi nhận, xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc các trường hợp đơn vị thuê đã phá dỡ nhà thuê cũ và xây dựng mới nhà).

Việc ký hợp đồng cho thuê nhà, thu tiền cho thuê nhà, đất của quỹ nhà chuyên dùng đạt hiệu quả thấp, nợ đọng nghĩa vụ tài chính của các đơn vị còn nhiều, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; hầu hết các hợp đồng thuê nhà, đất đã hết hạn; chậm triển khai trong việc giải quyết quỹ nhà chuyên dùng hiện đang trống…

Trước thực trạng tồn tại và bất cập trên, thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.

Mục đích của Kế hoạch này nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại, xử lý đối với 100% các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý, sử dụng và thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của 2 Nghị định trên.  

Thành phố cũng quán triệt việc nâng cao ý thức trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để dần đi vào nề nếp và thực hiện thống nhất, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn tài chính phục vụ các nhiệm vụ chi quan trọng, thiết yếu của ngân sách Nhà nước theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố kiên quyết  chấn chỉnh, xử lý kịp thời những cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công. Khắc phục triệt để tình trạng nhà, đất không được theo dõi, quản lý; sử dụng không đúng mục đích, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa. 

Theo đó, thành phố yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị liên quan thực hiện khẩn trương, đồng bộ các giải pháp giải quyết dứt điểm việc kê khai hồ sơ nhà đất, kiểm tra hiện trạng, phương án đề xuất, phê duyệt phương án và kiểm tra thực tế quản lý, sử dụng nhà đất sau khi phương án sắp xếp được phê duyệt.

Cùng với đó, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố; Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các Nghị định của Chính phủ; các thông tư của Bộ Tài chính; các chỉ đạo của UBND thành phố; hướng dẫn của Sở Tài chính và Kế hoạch về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do đơn vị xây dựng. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND thành phố nếu sử dụng nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết và các hình thức sử dụng khác không đúng quy định.

Theo chỉ đạo của thành phố, các đơn vị liên quan phải rà soát toàn bộ cơ sở nhà, đất được giao quản lý và tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu có). Đối với các cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý bảo đảm đúng hình thức, thời hạn, thủ tục.

Trường hợp chưa thực hiện báo cáo kê khai đối với các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng và thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, kê khai, báo cáo, hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý toàn bộ cơ sở nhà, đất quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành, gửi Sở Tài chính Hà Nội trước ngày 20/9/2023 để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu báo cáo thành phố.

Trường hợp, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện báo cáo kê khai, Sở Tài chính Hà Nội khẩn trương rà soát, kịp thời có văn bản đề nghị hoàn thiện phương án trong trường hợp chưa đủ điều kiện. Trên cơ sở đó, đối với cơ sở nhà, đất thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phối hợp các cơ quan, đơn vị kiểm tra hiện trạng (hoàn thành trước ngày 20/11/2023); lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất báo cáo thành phố phê duyệt (hoàn thành trước ngày 20/12/2023). 

Đối với cơ sở nhà, đất thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài chính, tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị Bộ chủ trì kiểm tra hiện trạng, lập phương án gửi lấy ý kiến các địa phương để Bộ Tài chính phê duyệt theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

"Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và Chủ tịch - Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước thành phố về việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện việc kê khai, báo cáo và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.

UBND TP Hà Nội cũng giao các cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng rà soát các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích (sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê) hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc. Trên cơ sở đó, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng đó; đồng thời, kiến nghị và liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để giải quyết.

Đối với các cơ sở nhà, đất chưa hoàn thiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý có liên quan xem xét giải quyết cho người sử dụng; không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất xong mới hoàn thiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Trung ương hoặc địa phương khác quản lý trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất; tham mưu thành phố có ý kiến về phương án xử lý nhà, đất, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương theo phân cấp của Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn quy định. 

UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, nắm bắt thông tin các cơ sở nhà, đất này hiện không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gửi Sở Tài chính Hà Nội tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương khác chuyển giao hoặc thu hồi về thành phố quản lý, phục vụ mục đích công cộng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.