Hà Nội sẽ chuẩn bị đầu tư đường vành đai 5 trước năm 2030

Hà Nội cùng hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang dự kiến cơ bản hoàn thành xây dựng đường vành đai 4 vào năm 2026, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027 và sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030.

Một đoạn đường vành đai 4 sẽ mở theo quy hoạch ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ trang TP Hà Nội, ngày 20/7, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo thành phố đã chia sẻ về phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Về phát triển hạ tầng đô thị, Hà Nội xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số… phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía bắc và cả nước, là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

Cùng với đó, phát triển toàn diện mạng lưới giao thông (đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy), bảo đảm kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh và kết nối liên vùng.

Nhiều công trình lớn, quan trọng đã được hoàn thành và khởi công xây dựng như vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường vành đai 2 trên cao. Năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; đã khởi công đường vành đai 4 (ngày 25/6)…

Hà Nội cùng hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang dự kiến cơ bản hoàn thành xây dựng đường vành đai 4 vào năm 2026, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027 và sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030.

Đối với một số dự án hạ tầng tại Hà Nội, đến hết tháng 6, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng đã đạt khoảng 76,5% tiến độ tổng thể chung của dự án, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99%.

Đối với cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1. Dự án đang được tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn dự án vào 2/9 năm nay.

Ngày 25/6 vừa qua, Hà Nội cũng đã tiến hành khởi công đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại 4 địa điểm trên địa bàn thành phố gồm đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; Trục phía Nam, xã Tam Hưng, Thanh Oai; quốc lộ 1A cũ, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Dự án có chiều dài 113 km, trong đó điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.