Lồng ghép các nhãn hàng của Trung Quốc vào phim
Transformers: Age Of Extinction - Robot đại chiến: Kỷ nguyên huỷ diệt (2014) là sản phẩm hợp tác giữa Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV và hãng Jiaflix - một công ty chuyên tổ chức giao dịch giữa các hãng phim Hollywood và các nhà đầu tư Trung Quốc. Do vậy các sản phẩm và nhãn hàng Trung Quốc được ưu ái triệt để.
Cụ thể, bộ phim được chỉ đạo bởi đạo diễn lừng danh Michael Bay như thường lệ vẫn có những cảnh cháy nổ và chiến đấu tuyệt vời, nhưng bất ngờ là trong một cảnh phim nhân vật của Jack Reynor đột nhiên được nhìn thấy đang nhấm nháp lon Red Bull Trung Quốc ở Texas. Càng kì lạ hơn, khi khá nhiều thương hiệu của Trung Quốc hiện lên trong phim ở hoàn cảnh vô cùng khiên cưỡng.
Transformers: Age Of Extinction có sự góp mặt của những diễn viên xứ Trung |
Chính nhờ việc đầu tư và ưu ái hết mình, thậm chí dựng một bản Transformers riêng cho thị trường Trung Quốc mà bộ phim thu về tới 90 triệu USD chỉ trong ba ngày ra mắt.
Trong một diễn biến khác, ở bản phim Iron Man 3 (2013) được trình chiếu ở Trung Quốc, mọi thứ còn phi lí hơn. Cụ thể, trước khi hãng Marvel phát hành bộ phim một năm, một nhãn hiệu sữa Trung Quốc dành cho trẻ em bị cáo buộc nhiễm thuỷ ngân, sự cố này tương tự như vụ nhiễm độc sữa năm 2008 khiến 6 trẻ em bị chết và ít nhất 300.000 em bị bệnh. Điều này khiến dư luận trong nước hoang mang và người dân bắt đầu đổ xô sang Hồng Kông để mua sữa cho con em mình. Nhưng điều này thì có liên quan gì đến Iron Man 3?
Trên thực tế, trong phiên bản trình chiếu tại Trung Quốc của Iron Man 3, nhân vật Tony Stark ở cảnh đầu bộ phim đã uống sữa với nhãn hiệu từ Trung Quốc và được ngụ ý như có thể khôi phục năng lực. Trong khi đó, ở một số cảnh được thêm vào trong bản ở đất nước đông dân, có chiếu cảnh vị bác sĩ Trung Quốc cũng uống sữa trước khi bắt đầu ca phẫu thuật quan trọng.
Ngay cả Iron Man 3 cũng có nhiều hình ảnh quảng cáo cho nhãn hàng Trung Quốc, đặc biệt là sữa. |
Tờ New York Time đã chỉ trích những cảnh thêm vào là hành động khiên cưỡng và trắng trợn nhằm giúp xoá bỏ lo ngại về thị trường sữa trong nước. Thậm chí các blogger tại Trung Quốc cũng cực lực phản đối sự lồng ghép các thương hiệu sữa Trung Quốc vào phim và do vậy, phim đã có tới 4 phút chỉ để quảng cáo sữa.
Tuy nhiên, mặc lời chê bai, những cảnh thêm vào này cũng giúp nhà sản xuất kiếm thêm cả triệu USD từ thị trường Châu Á này.
Angelina Jolie bị bắt làm há cảo
Đừng nghĩ Angelina là sao hạng A thì có thể nói và làm bất cứ gì, đặc biệt khi cô đứng ở Thượng Hải.
Trong buổi phỏng vấn truyền thông để quảng bá cho bộ phim Maleficent ở Thượng Hải, Angelina đã được hỏi ai là đạo diễn người Trung Quốc yêu thích của cô, bà Smith đã thẳng thắn trả lời là đạo diễn Lý An, tuy nhiên cô còn thêm rằng cô không chắc Lý An có phải người Trung Quốc không khi ông được sinh tại Đài Loan.
Câu trả lời vô tư của cô đã khiến người Trung Quốc tức giận, họ cho rằng Angelina đang ngụ ý Đài Loan và Trung Quốc là hai quốc gia riêng biệt. Tệ hơn, một bình luận được rất nhiều người yêu thích đã nói rằng: "Angelina đang công khai ủng hộ sự độc lập của Đài Loan". Điều này khá nghiêm trọng vì tranh chấp giữa Trung Quốc và Đài Loan đã diễn ra từ lâu, tuy mối quan hệ dần được cải thiện nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn coi Đài Loan như một phần của đất nước tỉ dân.
Angelina cũng từng "vạ miệng" khi quảng bá phim Maleficent tại Thượng Hải |
Lo ngại rằng sự giận dữ của người dân sẽ ảnh hưởng tới doanh thu phòng vé của Maleficent, nhà sản xuất đã lập tức công khai hình ảnh Angelina cùng gia đình tổ chức sinh nhật ở Thượng Hải trong không khí vô cùng vui nhộn. Thậm chí, hình ảnh Angelina đang tập làm há cảo cũng được công bố rộng rãi để chiều lòng fan. Tất nhiên, những nỗ lực của nhà sản xuất không hề uổng phí khi bộ phim thu về tới 22 triệu USD tại đây.
Bà mẹ sáu con đã tổ chức sinh nhật ở Thượng Hải để bày tỏ sự yêu mến đất nước tỉ dân. |
Cắt mọi thứ để chiều lòng kiểm duyệt
Những nỗ lực của các nhà làm phim Hollywood chưa bao giờ mệt mỏi khi tấn công vào đất nước tỉ dân, thậm chí họ sẵn sàng làm mọi thứ để phim có thể phát hành tại đây.
Tiêu biểu như phim Pixels và World War Z. Đối với Pixel (2015), trong phim có một cảnh Vạn lý Trường Thành bị phá huỷ và một cảnh khác cho thấy Trung Quốc như mối đe doạ tiềm tàng, tất nhiên cả hai cảnh đều bị cắt sạch khi phát hành tại đây. Trong diễn biến khác, phim World War Z của hãng Universal cũng bị cắt một đoạn hội thoại chỉ vì đoạn này nói rằng đại dịch Zombie đến từ Trung Quốc, tuy nhiên dù đã nổ lực chỉnh sửa, phim vẫn bị cấm phát hành tại đây.
Rất nhiều kì quan các nước bị phá huỷ không thương tiếc trong Pixel nhưng Vạn lý trường Thành thì không. |
Đạo diễn Quentin Tarantino là một trong những người có mối quan hệ sóng gió nhất với Trung Quốc vì hầu như các bộ phim của ông đều bị cấm tại đây. Trên thực tế, các phim chiếu tại Trung Quốc thường dành cho mọi lứa tuổi, họ ít khi phân chia độ tuổi theo phim như các nước vẫn làm.
Đối với phim Django Unchained (Giải cứu nô lệ), ông đã phải cắt gần hết các cảnh máu me, làm cho máu có màu tối hơn và loại bỏ hầu hết các cảnh quá bạo lực, tuy nhiên vào phút chót phim vẫn bị cấm phát hành với lý do "có vấn đề kỹ thuật".
Một tháng sau, phim được phát hành trở lại sau khi cắt tiếp một vài cảnh. Tuy nhiên, tệ hơn, đây lại là những cảnh chiến đấu then chốt của phim, vì để ra rạp đạo diễn Quentin buộc phải cắt bỏ, chính vì nội dung chắp vá đã khiến khán giả xứ Trung chán nản và không hứng thú với phim. Cuối cùng Django Unchained thất bại thảm hại tại Trung Quốc.
Django Unchained dù có sự góp mặt của nam tài tử Leonardo DiCaprio nhưng vẫn thất bại thảm hại tại thị trường Trung Quốc chỉ vì cắt bỏ quá nhiều để chiều lòng nhà kiểm duyệt. |
Dẫu biết rằng cần tấn công những thị trường mạnh nhưng việc quá ưu ái thị trường đông dân như Trung Quốc khiến không ít fans của các phim bom tấn bất mãn. Do đó, nếu tiếp tục đà này, các nhà làm phim Hollywood có thể sẽ mất đi vài thị trường béo bở khác khi cứ mãi chăm sóc cho đất nước tỉ dân này.