Hành vi "tè bậy" xuất hiện nhiều ở Ấn Độ. Ảnh: India Times |
Tình trạng phóng uế bừa bãi diễn ra tràn lan ở Ấn Độ trong nhiều năm qua, ngay cả tại thành phố lớn. Tiểu tiện trên đường phố chưa bao giờ là hành vi hợp pháp tại Ấn Độ. Tuy nhiên, mãi tới năm 2011, các quan chức chính phủ mới ra khẩu hiệu nhắc nhở người dân rằng tiểu tiện nơi công cộng không chỉ là hành vi thô lỗ mà còn bị phạt 100 Rupee (1,58 USD) cho mỗi lần vi phạm.
Tuy nhiên, các biện pháp từ đặt biển báo, phạt tiền nặng để ngăn chặn tình trạng “tè bậy” nơi công cộng đều không phát huy kết quả.
Năm 2014, một nhóm nhà hoạt động giấu mặt đã đưa ra giải pháp xử lý những đối tượng phóng uế bừa bãi tại điểm công cộng. Họ huy động xe nước có tên gọi “The pissing tanker”, và sẵn sàng xối nước vào bất cứ ai đang “tè bậy” nơi công cộng ở thành phố Mumbai, theo Daily Mail. Trên xe nước và dòng khẩu hiệu: “Bạn dừng thì chúng tôi dừng”.
Nhóm cũng cho rằng bằng cách xối nước vào người có hành vi bất lịch sự, họ có thể cùng lúc xử lý “mầm mống” gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng tại khu vực có chất thải.
Tuy nhiên, biện pháp này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh ủng hộ, nhiều người khác nhận xét đây không phải là một giải pháp hay, bởi thiếu nhà vệ sinh công cộng mới là nguyên nhân của những hành vi này.
Tháng 6/2015, lần đầu tiên tại Ấn Độ, cảnh sát đường sắt thành phố Agra tống giam 109 người trong 24 giờ sau khi bắt quả tang họ đi tiểu tại nhà ga. 109 người này được thả sau khi nộp tiền phạt từ 100 tới 500 Rupee.
Cùng năm, công ty Dịch vụ công cộng Ahmedabad, một doanh nghiệp nhà nước, thực hiện chương trình thưởng tiền cho người sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Theo đó, mỗi người sẽ nhận được 1 rupee khi sử dụng nhà vệ sinh, theo Telegraph.
Khoảng 300 nhà vệ sinh công cộng được xây ở Ahmedabad và giới chức phụ trách hoạt động vệ sinh muốn mở rộng chương trình trả tiền ra khắp thành phố, đồng thời áp dụng mức phạt nặng đối với người xả chất thải nơi công cộng.
Một người đàn ông ở Manchester (Anh) phải tự dọn chất thải của mình sau khi tè bậy nơi công cộng. Ảnh: Manchester Evening News |
Nhiều nước trên thế giới cũng chỉ áp dụng biện pháp tuyên truyền và phạt tiền, hay giờ lao động công ích với những đối tượng phóng uế nơi công cộng. Chính quyền Manila, Philippines áp dụng phạt tiền 500 peso hoặc 8 giờ lao động công ích trong một ngày đối với bất kỳ ai tiểu tiện, đại tiện và khạc nhổ bừa bãi.
Tại Brighton, Anh, những người có hành vi phóng uế nơi công cộng sẽ bị phạt 124 USD, bị bắt hoặc phải dọn sạch chất thải của mình ngay lập tức. Còn ở Queensland, Australia, bạn sẽ bị phạt từ 228-455 USD cho các hành vi bất lịch sự đó.
Trong khi đó, tại nhiều bang ở Mỹ, hình phạt cho các tội nhẹ, trong đó có tiểu tiện nơi công cộng, có thể gồm tống giam (nhiều nhất là một năm, ngoại trừ bang Ohio cho phép tống giam đến hai năm), phạt tiền và lao động công ích. Hình phạt sẽ nặng hơn nếu người nào đó tái phạm.