Bởi trong định hướng phát triển, các trường công lập dần áp dụng chính sách tự chủ thì việc tạo điều kiện phát triển các trường tư thục là vô cùng cần thiết. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng hiện việc tự chủ của các trường tư thục đang còn hạn hẹp, "nửa vời".
Hiện Bộ GD&ĐT đang dần trao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có quyền tự chủ về tuyển sinh. Theo đó, năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT cho phép những trường THCS lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu gấp nhiều lần được tổ chức thi đánh giá năng lực và không quy định thời gian tuyển sinh của những trường này. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có chỉ đạo khác với chủ trương này của Bộ.
Trường tư thục đã đóng góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết áp lực quá tải cho trường công, cho ngân sách nhà nước. Ảnh: ST. |
Theo yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội, những trường THCS có lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu phải trình phương án tuyển sinh năm 2018-2019 lên UBND cấp quận, huyện phê duyệt và không được tuyển sinh trước thời hạn quy định, thời gian tổ chức tuyển sinh chỉ từ ngày 1/7 đến 3/7. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các trường mà còn gây khó khăn cho các phụ huynh và học sinh. Vì nếu tuyển sinh muộn, các trường sẽ không thể chuẩn bị kịp cơ sở vật chất, còn các em học sinh sẽ không có nhiều lựa chọn.
Do đó, lãnh đạo các trường ngoài công lập đã nhiều lần thể hiện mong muốn được tự chủ tuyển sinh song sợi dây trói buộc các trường vẫn không được tháo gỡ. Chỉ sau khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ về những quy định lạ đời của Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ GD&ĐT mới có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện đúng chủ trương của Bộ. Tức là, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập được tự chủ về tuyển sinh, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của nhà trường.
Ngày 10/5, Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản hướng dẫn việc thực hiện tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 ngoài công lập năm học 2018 -2019. Theo đó, Sở GD&ĐT cho phép thời gian tuyển sinh của các trường ngoài công lập bắt đầu từ ngày 26/5 đến 12/7 và cập nhật danh sách học sinh trúng tuyển vào phần mềm sổ điểm điện tử chậm nhất ngày 23/7. Như vậy, thời gian tuyển sinh đầu cấp của các trường ngoài công lập tại Hà Nội đã được nới lỏng hơn nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ thời gian nhất định do Sở GD&ĐT Hà Nội quy định.
Trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie chia sẻ: “Hiện nhiều trường tư thục trên cả nước, đặc biệt ở TP.HCM đã được tự chủ trong tuyển sinh, nhưng tại Hà Nội điều này vẫn là "trong mơ", đặc biệt trong vấn đề tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6. Vì thế, các trường tư thục mong muốn được tự quyết thời gian tuyển sinh, nhằm mục đích tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội được lựa chọn trường theo ý muốn”.
Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 (Tân Triều - Thanh Trì - Hà Nội) nêu quan điểm: Các trường tư thục phải lo toàn bộ cơ sở vật chất, chi phí, giáo viên… nên yếu thế hơn các trường công lập. Do đó, các trường tư thục không chỉ cần được tự chủ trong tuyển sinh mà còn cần được tự chủ nhiều hơn nữa. “Nếu các trường tư thục đã được tự chủ thì xin được tự chủ trên mọi vấn đề từ tuyển sinh đến bố trí chương trình giảng dạy”, bà Liên Na chia sẻ.
Bên cạnh đó, các trường tư thục cũng mong muốn nhà nước tạo điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất để xây dựng trường. Theo ông Vũ Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Hồng Hà, các trường tư thục đã gánh vác một phần nhiệm vụ của giáo dục đào tạo. “Tôi muốn kiến nghị Bộ GD&ĐT nên quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa các trường đại học, phổ thông từ khâu tuyển sinh, chủ trương chính sách, cơ sở vật chất... Hiện phụ huynh rất quan tâm đến cơ sở vật chất, dù chất lượng giảng dạy của trường tốt nhưng không có cơ sở vật chất cũng không thể tuyển sinh được”, ông Tuấn nhấn mạnh
Hiện các trường tư thục đều cho rằng quyền tự chủ đang bị bó hẹp, còn phía cơ quan chủ quản lại khẳng định đã có chủ trương giao quyền tự chủ cho nhà trường. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: “Các nhà trường có tự chủ thì mới sáng tạo được. Từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT đã giao cho cả trường công và trường tư được quyền chủ động sắp xếp nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học. Tức là Bộ GD&ĐT đã chủ trương trao quyền tự chủ cho nhà trường".
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết: “Bộ GD&ĐT có quy định thay đổi tuyển sinh vào THCS. Đối với các trường tư thục và một số các trường công lập có uy tín, số lượng đăng ký tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu thì áp dụng xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các sở chỉ hướng dẫn nhà trường thực hiện phương thức xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực chứ không có quy định nào buộc các trường xây dựng phương án, rồi cấp thẩm quyền phê duyệt”.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản GD&ĐT, cũng như Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định đổi mới nhằm tạo điều kiện cho xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục ngoài công lập.
Nhưng trên thực tế đã có nhiều mắt xích trong quá trình đổi mới về phát triển toàn diện giáo dục không được tháo gỡ. Chủ trương ở trên là tạo điều kiện phát triển trường tư thục, tuy nhiên hiện đang có quy định tính kéo lùi sự phát triển. Như tại Hà Nội quy định tuyển sinh đầu vào trường công lập và tư thục cùng một thời điểm. Tôi cho rằng, việc đồng loạt tuyển sinh như vậy sẽ gây rất nhiều trở ngại khó khăn cho người dân”.
Theo bà Minh, các lãnh đạo trường tư thục có tâm huyết và kinh nghiệm phải đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách về giáo dục tốt hơn nữa, nhằm tạo điều kiện để trường tư thục phát triển và góp phần giải quyết những áp lực mà giáo dục công lập đang đối mặt.
“Nếu đánh giá đúng vai trò của các trường tư thục thì ngân sách nhà nước đã không quá tải, áp lực về sĩ số học sinh, áp lực giảng dạy của giáo viên cũng không lớn như bây giờ. Cần thiết phải tìm ra các nút thắt để tháo gỡ những khó khăn của ngành giáo dục, bởi đang có nhiều chính sách giáo dục bị méo mó”, bà Minh nhấn mạnh.
'Muôn sắc thái' của học trò Trường THPT Việt Đức trong ngày chia tay
Giây phút kết thúc năm học bằng những tiếng trống trường réo rắt cũng là lúc, những giọt nước mắt, những cái ôm thật chặt ... |