Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành - nhà khoa học thành danh ở Mỹ - không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng ĐH Hoa Sen (TP.HCM), nhận được nhiều ý kiến tranh luận từ đội ngũ trí thức trong nước.
Đại diện các trường đại học cho rằng trường hợp của GS Thành và ĐH Hoa Sen cho thấy bức tranh tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều mảng trống.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng câu chuyện của GS Trương Nguyện Thành và ĐH Hoa Sen phần nào nói lên mức độ tự chủ của các trường đại học hiện nay.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn chỉ là "mỹ từ". Ảnh: hcmute.edu.vn. |
Không chỉ trong vấn đề nhân sự, ông Dũng đề xuất luật và cơ quan quản lý nên giao quyền tự chủ cho các trường, chấm dứt cơ chế xin - cho. Khi các trường chưa được tự chọn nhân lực cho chính mình, tự chủ chỉ là nửa vời.
Ông Dũng từng nói trong một hội thảo góp ý về tự chủ đại học rằng: “Tự chủ hiện nay rất nửa vời, mà lát cái sàn cũng phải xin phép bộ chủ quản, chẳng khác gì người dân xây cái chuồng heo cũng phải ra chính quyền xin phép. Cái thành công nhất của tự chủ đại học hiện nay là tự chủ về mặt học thuật còn những vấn đề khác thì đang rất chồng chéo”.
Trao đổi với Zing.vn trước đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng hiệu trưởng phải có kinh nghiệm quản lý cấp khoa, phòng tối thiểu 5 năm thực chất không phù hợp.
Ông Vinh đề xuất nên bỏ điều kiện 5 năm kinh nghiệm làm quản lý đối với vị trí hiệu trưởng trường đại học. Thay vào đó, luật nên có những điều kiện quy định cụ thể về năng lực cá nhân thực tế của người đảm nhiệm vị trí này.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), luật Giáo dục Đại học đang được sửa đổi, bổ sung và điều 20 nêu trên cũng đã được rà soát, sửa đổi.
Tán thành ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, TS Lê Văn Út, trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, khẳng định tình trạng trên không chỉ xảy ra với riêng ĐH Hoa Sen.
Với đại học công lập, hội đồng trường sẽ chọn hiệu trưởng và trường tư thì đó là việc của hội đồng quản trị. Cần để cho các đại học tự chủ trong việc này vì họ phải có quyền quyết định vận mệnh của mình. Hiệu quả của việc lựa chọn của họ sẽ nói lên tất cả.
Theo ông Út, lẽ ra, các cơ quan quản lý phải thực hiện đúng tinh thần tự chủ mà Chính phủ đã cho phép. Nhưng mỗi cơ quan hiện nay vẫn cứ bám theo quy định hiện hành để "dí" các trường.
Trong khi, Nghị quyết mới của Chính phủ cũng hướng dẫn cần xem hiệu trưởng đại học là giám đốc điều hành và hiệu quả công việc nói lên tất cả.
Dẫn ví dụ về ĐH Tôn Đức Thắng, ông Út ví dụ quy định tự chủ cho phép các đại học bổ nhiệm nhà khoa học, nhưng khi ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm thì lại bảo không được.
TS Út nhận định với thực trạng này, ước mơ về một nền đại học Việt Nam tiên tiến sẽ mãi chỉ là... mơ ước.
"Tự chủ nửa vời thì vừa phát triển khó, vừa tạo nên ấn tượng không tốt với mô hình mới này. Khi đó, nhiều đại học công lập sẽ không dám tự chủ vì tiếp tục với bầu sửa từ ngân sách Nhà nước an toàn hơn. Phát triển mà rủi ro, họ không dám làm", ông Út nói.
Nhiều chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng nếu hiệu trưởng còn không quyết được thì khái niệm "tự chủ đại học" chỉ là lý thuyết suông.
Theo TS Lê Trường Tùng, chủ tịch ĐH FPT, vấn đề quan trọng cần đặt ra hiện nay sau trường hợp của GS Trương Nguyện Thành là nên sửa luật như thế nào để phù hợp tình hình thực tiễn.
Ông Tùng đề xuất yêu cầu 5 năm kinh nghiệm quản lý phòng, khoa thành "kinh nghiệm quản lý giáo dục", không nhất thiết là giáo dục đại học.
Mặt khác, có thể không yêu cầu trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng một trường đại học vì học vị tiến sĩ là thành tích nghiên cứu, không phải kinh nghiệm quản lý.
Ông Tùng cho rằng nên giải quyết vụ việc của GS Trương Nguyện Thành và ĐH Hoa Sen trên tinh thần đúng luật. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM. |
TS Lê Trường Tùng chia sẻ trường hợp của GS Trương Nguyện Thành có thể đáng tiếc nhưng tất cả không được vượt qua luật. Ông cho rằng khó có thể giải quyết linh hoạt cho trường hợp GS Thành, dù giáo dục đại học Việt Nam đang tồn tại một vài ngoại lệ.
"Khi tôi được bổ nhiệm là hiệu trưởng ĐH FPT, nhiều ý kiến cho rằng không đủ chuẩn nhưng vì lúc đó tôi có 7 năm phụ trách hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế nên có thể được xem xét", ông Tùng nói về trường hợp của chính mình.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học trong Luật Giáo dục Đại học 2012 đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Ở vị trí hiệu trưởng, quan trọng là năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín khoa học. Về quy định kinh nghiệm quản lý 5 năm cấp phòng, khoa chỉ là tiêu chí phụ nên thay vì quy định 5 năm thì 1-2 năm là được.
GS Trương Nguyện Thành nhận lời mời về công tác tại trường với vị trí phó hiệu trưởng điều hành từ năm 2016. Tháng 4, ông được HĐQT ĐH Hoa Sen đề xuất công nhận vị trí hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 với sự tín nhiệm cao, 16/18 phiếu tán thành. Tuy nhiên, theo quy trình công nhận hiệu trưởng của Luật Giáo dục Đại học, ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Tại ĐH Utah (Mỹ), ông tham gia giảng dạy, làm công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của trường này. Bộ GD&ĐT cho rằng hiện chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp phòng, khoa của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài với Việt Nam. Do vậy, không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận cụ thể nội dung này. |
GS Trương Nguyện Thành: 'Không nên đặc cách cho tôi!'
Ngoài vài lời trên Facebook, trong “bão dư luận” qua, GS Trương Nguyện Thành không nêu bất kỳ ý kiến gì. Sáng 9.5, ông có ... |
Mỹ không có chuẩn hiệu trưởng vì sợ bỏ sót nhân tài như Bill Gates
Mỹ không đưa ra "tiêu chuẩn cứng" cho vị trí hiệu trưởng một trường đại học vì họ coi trọng nhân tài. Họ hiểu rằng ... |