Nhân viên y tế đi bộ đến Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Tan Tock Seng ở Singapore (Ảnh: AFP).
Các bệnh nhân không hợp tác, thời gian chữa trị kéo dài và thiếu thiết bị bảo vệ là các yếu tố khó khăn mà các nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới gặp phải khi đang đối mặt với đại dịch Covid-19. Nhiều người trong số đó đã ngã bệnh trong khi chữa trị cho bệnh nhân.
Tại Malaysia, một phụ nữ mang thai giấu kín việc cha mình bị nhiễm virus corona. Sau khi cô sinh, toàn bộ bệnh viện đã phải đóng cửa để khử trùng. Ở Philippines, 9 bác sĩ đã tử vong, 2 trong số họ chết do một bệnh nhân nói dối về lịch sử du lịch của mình.
Tây Ban Nha có hơn 5.400 nhân viên chăm sóc sức khỏe đã bị nhiễm bệnh, chiếm khoảng 14% bệnh nhân của đất nước và hiện không còn đủ nhân viên y tế để chăm sóc bệnh nhân.
Italy có hơn 100.000 bệnh nhân. Dịch bệnh đã khiến một bác sĩ tử vong khi ông không còn lựa chọn nào khác phải chữa trị cho bệnh nhân mà không dùng găng tay.
Mỹ hiện đã vượt qua Trung Quốc về số lượng nhiễm dịch và tử vong do virus corona. Các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân Covid-19
Nhân viên y tế nước này cho biết bệnh nhân được đưa vào các phòng cấp cứu và các khu chăm sóc đặc biệt (ICU), làm tăng thêm nguy cơ lây bệnh. Ở đây cũng đang ghi nhận tình trạng thiếu máy thở, khẩu trang, áo mũ phòng hộ.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ hôm 7/3 cho biết, nhân viên y tế tiếp xúc với virus corona có thể được yêu cầu quay lại làm việc miễn là họ đeo khẩu trang và không có triệu chứng và nếu cơ quan chủ quản của họ thiếu người.
Nhân viên y tế Malaysia tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Ảnh: AFP).
Lí do để lạc quan
Tuy nhiên trong bầu không khí u ám của dịch bệnh, kinh nghiệm của Singapore trở thành điểm sáng và tạo tinh thần lạc quan. Chính quyền thành phố ghi nhận hơn 800 trường hợp nhiễm virus, tất cả đều đang được điều trị tại bệnh viện, nhưng chỉ một số ít các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của nước này bị nhiễm bệnh.
Theo Vernon Lee, giám đốc các bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế quốc gia, ngay cả những trường hợp này cũng được cho là đã bị nhiễm dịch bên ngoài cơ sở y tế.
Các chuyên gia cho rằng điều này không chỉ là may mắn và cho biết về trường hợp 41 nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona trong một bệnh viện ở Singapore đã tránh được việc bị lây bệnh.
Các nhân viên y tế đã tiếp xúc trong vòng hai mét với một người đàn ông trung niên nhiễm Covid-19 đang được đặt nội khí quản. Qui trình đặt nội khí quản được coi là đặc biệt nguy hiểm đối với nhân viên y tế vì bệnh nhân có khả năng sẽ ho.
Các nhân viên y tế không biết người đàn ông đó đã nhiễm virus và tất cả đã được cách li sau khi bệnh nhân cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của họ hai tuần sau đó cho thấy không ai trong số các nhân viên y tế này bị nhiễm dịch.
Vụ việc đã được chú ý rộng rãi một phần vì các nhân viên y tế đã đeo một lúc hai loại khẩu trang là khẩu trang phẫu thuật tiêu chuẩn và khẩu trang N95, mà các bác sĩ coi là tiêu chuẩn vàng khi nó lọc được 95% các hạt trong không khí.
Kết luận được công bố trên The Annals of Internal Medicine trong tháng 3 với nội dung: "Không ai trong số các nhân viên y tế trong tình huống này bị lây nhiễm cho thấy khẩu trang phẫu thuật, rửa tay và các quy trình tiêu chuẩn khác đã bảo vệ họ khỏi bị nhiễm dịch".
Bác sĩ phẫu thuật Atul Gawande đã đề cập đến trường hợp này trong một bài viết cho tờ The New Yorker về cách các nhân viên y tế có thể tiếp tục tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mà không trở thành bệnh nhân.
Ông cho biết, có những điều cần học hỏi từ châu Á và một số bài học được đưa ra từ cuốn sách tiêu chuẩn y tế cộng đồng. Nói cách khác, có nhiều điều để nói về sự xa cách xã hội, cách thức rửa tay và vệ sinh cơ bản.
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ bước vào phòng cách li tại bệnh viện ở Banda Aceh, Indonesia (Ảnh: AFP).
Với các nguồn cung cấp quan trọng sắp cạn kiệt ở nhiều quốc gia, các chuyên gia cho rằng việc các quốc gia chia sẻ cả kiến thức và tài nguyên ngày càng quan trọng.
Trung Quốc đã quyên góp thiết bị bảo vệ cá nhân cho Philippines, Pakistan và Châu Âu. Doanh nhân giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma quyên góp 1,8 triệu khẩu trang, 210.000 bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 và 36.000 bộ quần áo bảo hộ cho 10 quốc gia ở châu Á.
Đồng thời, các bác sĩ đang khuyến khích thế giới phương Tây học hỏi từ châu Á.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết, việc các quốc gia này đã trải qua dịch Sars (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 là tiền đề chuẩn bị cho châu Á đối mặt với dịch Covid-19, trong khi các nước phương Tây không được sự chuẩn bị tương tự và do đó không có đủ thiết bị bảo vệ.
Khoảng 2.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm dịch ở Trung Quốc ngay từ đầu khi dịch bệnh bùng phát vì ban đầu các nhân viên y tế không có đồ bảo hộ. Về sau, việc có thiết bị bảo hộ giúp giải quyết vấn đề này.
Một khi các biện pháp phòng vệ được đưa ra, có rất ít nhân viên y tế bị nhiễm dịch tại nơi làm việc. Thay vào đó, họ bị ốm do tiếp xúc với những người bị bệnh bên ngoài nơi làm việc.
Malaysia là một trường hợp điển hình. Quốc gia này ghi nhận 80 nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm dịch, hầu hết được cho là bị lây lan trong cộng đồng.
Trong một hội thảo trực tuyến do Caixin Global tổ chức, Peng Zhiyong, một chuyên gia chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán đã chia sẻ cách họ quản lí sự thiếu hụt thiết bị bảo vệ cá nhân ngay từ đầu khi dịch bùng phát. Đó là họ phân bổ hai nhân viên y tế cho mỗi ca khám bệnh.
Trong khi đó, tại Philippines, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung Quốc Manila đã tổ chức một cuộc gọi hội nghị video với các bác sĩ ở Chiết Giang để học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các nền tảng chia sẻ cộng đồng cũng đã được tạo ra để chia sẻ lời khuyên. Bệnh viện Brigham and Women ở Boston đã đưa ra hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân bị bệnh nặng trong đó có các thông tin từ các bác sĩ Trung Quốc.
Quỹ Jack Ma cũng đã ra mắt một nền tảng trực tuyến cho các bác sĩ và y tá trên khắp thế giới có thể chia sẻ kiến thức về việc chống lại virus.
Phó giáo sư Jeremy Lim từ chương trình y tế toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho biết việc các nước hợp tác với nhau là rất quan trọng.
"Virus không phân biệt biên giới. Các quốc gia phải chia sẻ thông tin và giúp đỡ lẫn nhau vì chúng ta chỉ mạnh khi đoàn kết. Bất kì quốc gia nào cũng có thể trở thành ổ dịch bệnh và thế giới sau đó có thể buộc phải chịu đựng những đợt bùng phát liên tục".
Nhân viên y tế Indonesia điều hành thử nghiệm hàng loạt cho Covid-19 tại Bekasi, Tây Java (Ảnh: AFP)
Ví dụ đáng học tập từ Singapore
Singapore được coi là một ví dụ để nhân rộng trong chữa trị hiệu quả và bảo vệ nhân viên y tế. Mặc dù quốc gia này phải "vật lộn" với số lượng bệnh nhân Covid-19 đang tăng lên nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore vẫn tiếp tục hoạt động trơn tru. Hầu hết trong số họ mới từ nước ngoài trở về nước.
Các bác sĩ nói rằng điều này là do họ đã chuẩn bị cho một đại dịch kể từ khi Sars bất ngờ ập đến. Trong đợt bùng phát Sars, nhân viên y tế chiếm 41% trong số 238 ca nhiễm của Singapore.
Do đó, các bệnh viện tại Singapore đã chuyển sang chế độ lập kế hoạch dự phòng từ sớm trong dịch virus corona. Hệ thống các bệnh viện đều ban hành chính sách hoãn toàn bộ kế hoạch nghỉ phép và du lịch của nhân viên y tế sau khi xuất hiện các trường hợp nhiễm dịch đầu tiên.
Các bệnh viện cũng nhanh chóng chia lực lượng lao động thành các đội để đảm bảo có đủ nhân viên y tế nếu dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn và để đảm bảo nhân viên được nghỉ ngơi đầy đủ.
Singapore hiện có 13.766 bác sĩ tương ứng tỉ lệ 2,4 bác sĩ cho mỗi 1.000 bệnh nhân. Con số này so với 2,59 ở Mỹ; 1,78 ở Trung Quốc và 4,2 ở Đức. Những quốc gia như Myanmar và Thái Lan có ít hơn một bác sĩ cho mỗi 1.000 bệnh nhân.
Mục tiêu là có thể kiểm soát các công tác thiết yếu với mức độ bảo mật cao nhất. Đảm bảo các đơn vị chức năng có dự phòng, có thể tích hợp hoặc tách biệt với nhau.
Điều quan trọng là đảm bảo tỉ lệ bác sĩ trên bệnh nhân tốt và đảm bảo có đủ chuyên gia cho các ca bệnh quan trọng, chẳng hạn như bác sĩ và y tá có thể tiến hành các chăm sóc đặc biệt và biết cách vận hành máy thở hoặc máy móc để bơm và thở oxy cho bệnh nhân nặng.
Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ được chia thành bốn đội. Mỗi đội thay ca 12 giờ và không trùng lịch làm việc với các đội khác.
Chia, người làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, cho biết các bác sĩ đã được tách ra theo chuyên môn chức năng của họ.
"Chúng tôi cố gắng không tiếp xúc với các đội khác nhiều nhất có thể. Chúng tôi sẽ chỉ nói xin chào từ bên kia hành lang. Các bữa ăn đều giống nhau. Tất cả các quán ăn tự phục vụ và tất cả mọi thứ duy trì qui định về khoảng cách xã hội", Chia cho biết. Ông cũng là thành viên của quốc hội và chủ trì một ủy ban về sức khỏe.
Chia cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng có thể làm việc với các bác sĩ ở các bệnh viện tư nhân.
Không phải quốc gia nào cũng có cơ chế như vậy. Chỉ số an ninh y tế toàn cầu năm ngoái của Đơn vị tình báo kinh tế cho thấy 70% trong số 195 quốc gia xếp loại kém khi đánh giá tiêu chí quốc gia cần phải xử lí dịch bệnh hoặc đại dịch. Gần 3/10 quốc gia không xác định được khu vực nào không đủ nhân viên y tế. Tại Ấn Độ, với dân số 1,3 tỉ người, chỉ có khoảng 20.000 bác sĩ được đào tạo trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc đặc biệt, cấp cứu và các bệnh hô hấp.
Ngược lại, Singapore đã công bố Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với đại dịch cúm đầu tiên vào tháng 6 năm 2005 và kể từ đó đã mài giũa nó thành một chiến dịch hành động hiệu quả. Các bệnh viện thường xuyên tổ chức và diễn tập kịch bản đối phó với đại dịch hay tấn công khủng bố. Các sự kiện diễn tập đôi khi được Bộ Y tế quan sát, đánh giá hiệu suất và đề xuất các hoạt động cần cải thiện.
Kế hoạch cũng đề cập đến nhu cầu dự trữ thiết bị để tránh tình trạng thiếu hụt mà nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt, một bài học khác có được từ kinh nghiệm đối phó với dịch Sars khi khẩu trang, găng tay và áo bảo hộ bị thiếu.
Trên một bài báo xuất bản năm 2008, chuyên gia y tế cộng đồng Singapore Jeffery Cutter cho biết, kho dự trữ của Singapore đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho ít nhất 5 đến 6 tháng của tất cả nhân viên y tế tuyến đầu.
Trong đợt bùng phát Covid-19, Singapore cũng tuyên truyền người dân không dùng khẩu trang để có thể bảo đảm nguồn cung cho nhân viên y tế.
Có đủ đồ bảo vệ đã trấn an các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Singapore như những gì mà Kua, một bà mẹ của 6 đứa con, viết blog về kinh nghiệm của cô khi chiến đấu với Covid-19: "Tôi đang an toàn và gia đình tôi an toàn".
Vấn đề phân biệt đối xử
Tuy nhiên, các nhân viên chăm sóc sức khỏe của đất nước Sư tử đang phải vật lộn với một vấn đề khác: phân biệt đối xử.
Trong khi ở Pháp, Italy và Anh, người dân cổ vũ nhân viên y tế từ cửa sổ của họ, thì ở Singapore, một số y bác sĩ bị coi là người mang mầm bệnh.
"Tôi cố gắng không mặc đồng phục ở nhà vì bạn không bao giờ biết những sự cố nào bạn có thể gặp phải", một y tá Singapore nói. "Người dân sợ hãi và việc chúng tôi mặc đồng phục thực sự gây ra khá nhiều bất tiện. Một trong những đồng nghiệp của tôi đã cố gắng gọi xe đến bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân và cô ấy đã bị năm tài xế từ chối", vị này chia sẻ thêm.
Có một sự kì thị tương tự ở Ấn Độ, nơi Viện Khoa học Y tế quốc gia đã kêu gọi chính phủ giúp đỡ sau khi các nhân viên y tế bị buộc phải rời khỏi nhà bởi những chủ nhà hoảng loạn và sợ hãi bác sĩ. Nhiều bác sĩ bị mắc kẹt trên đường với tất cả hành lí của họ, không còn nơi nào để đi trên khắp đất nước.
Lim, từ Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, cảnh báo, phân biệt đối xử có thể ảnh hưởng đến cả hiệu suất và động lực của nhân viên y tế. Khi các nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm dịch, nó sẽ tạo ra một mối đe dọa gấp ba lần. Ít đi một nhân viên y tế trong một hệ thống vốn đang căng thẳng có nghĩa là ít đi một bệnh nhân được chăm sóc và một nhóm y bác sĩ sẽ phải cách li: "Chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để giữ cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe của chúng tôi được an toàn và không bị Covid-19".
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020