Tháng 11 vừa qua, Vương quốc Anh đã ghi nhận thương vụ phá sản lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại nước này. Đó là trường hợp Arcadia Group - công ty mẹ sở hữu các thương hiệu thời trang đình đám như Topshop, Miss Selfridge và Dorothy Perkins - thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản giữa bối cảnh doanh thu liên tục lao dốc vì đại dịch.
Với diễn biến này, Arcadia trở thành cái tên tiếp theo trong chuỗi dài các cửa hàng bán lẻ nổi tiếng một thời của Vương quốc Anh - như BHS, Banana Republic, Barratts, JJB Sports, Comet, C&A, Dixons, Debenhams… - “gục ngã” trước những điều kiện kinh doanh khắc nghiệt tại “xứ sở sương mù”.
Arcadia hiện đang có khoảng 13.000 công nhân, điều hành 422 cửa hàng ở Anh và 22 cửa hàng ở nước ngoài. Con số này khá khiêm tốn so với mức hơn 2.000 cửa hàng hoạt động trên toàn cầu vào thời điểm năm 2004, khi chủ sở hữu hiện tại của Arcadia Group là Philip Green bắt đầu tiếp quản công ty.
Các thương hiệu của Arcadia bao gồm nhiều chuỗi bán lẻ “sừng sỏ” như Topshop, Topman, Dorothy Perkins và Burton. Trong khi các thủ tục phá sản được tiến hành, những thương hiệu này vẫn sẽ tiếp tục được vận hành cửa hàng và trang thương mại điện tử của họ.
"Đây là ngày cực kỳ buồn với tất cả đồng nghiệp, nhà cung cấp và các bên liên quan khác của chúng tôi. COVID-19 đã buộc nhiều cửa hàng của chúng tôi phải đóng cửa trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của tất cả các thương hiệu", Ian Grabiner - CEO of Arcadia cho biết trong một thông báo.
Trước đó, Arcadia đã cắt giảm 500 việc làm ở trụ sở hồi đầu năm 2020. Công ty này cũng đã gặp khó từ trước khi đại dịch xuất hiện. Tháng 6/2019, họ thoát phá sản trong gang tấc khi đàm phán được việc trả nợ và tái cấu trúc công ty, sau khi đóng cửa đến 50 cửa hàng tại Anh và Ireland, cùng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop, Topman ở Mỹ.
Trong một thông cáo báo chí, Arcadia đổ lỗi việc phá sản của mình do các đợt giãn cách xã hội kéo dài và nhiều hạn chế khác vì đại dịch COVID-19, song các chuyên gia cho rằng “vận may” của công ty này bắt đầu suy yếu từ rất lâu trước khi đại dịch xảy ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này là hồi năm 2005, khi ông Green trả khoản cổ tức miễn thuế khổng lồ trị giá 1,2 tỉ bảng cho tập đoàn mẹ là Taveta Ltd có trụ sở tại Monaco.
Taveta Ltd thuộc sở hữu của gia đình ông Green, với Giám đốc duy nhất là vợ ông Tina Green. Vào thời điểm đó, 1,2 tỉ bảng là mức chi trả lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp của Anh và lớn gấp hơn ba lần lợi nhuận hoạt động của Arcadia trong năm đó.
Tuy nhiên kể từ năm 2012, lợi nhuận hoạt động hàng năm của Taveta đã giảm đáng kể. Sự sụt giảm tăng nhanh từ năm 2015, khi các thương hiệu lớn nhất của tập đoàn này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến như ASOS, Boohoo và Pretty Little Thing.
Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào các kênh trực tuyến, Arcadia lại thực hiện những đợt chi trả cổ tức quá lớn cho gia đình Green. Hậu quả là trong khi 5 năm trước, Arcadia là thương hiệu quần áo lớn thứ tư tại Vương quốc Anh, đến nay Arcadia đã bị các đối thủ thương mại điện tử vượt xa và chỉ còn chiếm 2,7% thị phần, theo công ty nghiên cứu GlobalData.
Vấn nạn lớn nhất của Arcadia là Topshop. Thương hiệu này đã không thể cạnh tranh với các thương hiệu trẻ hơn ví dụ như Pretty Little Thing hay ASOS.
Năm 2017, lợi nhuận hàng năm của Arcadia đã chuyển thành khoản lỗ trước thuế 137 triệu bảng. Đến năm 2018, khoản lỗ đã tăng lên 177 triệu bảng. Trong đó, Topshop đã lỗ hơn 500 triệu bảng Anh.
Hiện đã có hơn 10 ứng cử viên bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại Topshop, bao gồm Boohoo, Frasers Group, và một số công ty cổ phần tư nhân, theo báo cáo The Guardian. Jane Shepherdson, cựu Giám đốc Arcadia, người đã có công rất lớn trong việc biến
Topshop thành một thương hiệu toàn cầu, đã bày tỏ kỳ vọng một nhà bán lẻ trực tuyến nào đó sẽ mua thương hiệu này.
Việc tập đoàn Arcadia phá sản tại Anh và Mỹ đã chính thức gạt cái tên Philip Green ra khỏi nhóm tỉ phú của Anh. Tuy nhiên, hậu quả không dừng lại ở đó. Arcadia nộp đơn xin bảo hộ phá sản với các khoản nợ chưa thanh toán ước tính lên tới 250 triệu bảng Anh.
Các chủ nhà cho thuê của công ty này, trong đó có nhiều người vốn đã ở trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, trong khi ông Green đặc biệt hào phóng với những khoản cổ tức cho bản thân và vợ, quỹ hưu trí của Arcadia cũng được cho là đang thiếu hụt khoảng 350 triệu bảng Anh so với dự toán.
Đây không phải là lần đầu tiên việc này diễn ra. Trước đó, năm 2015, ông Green đã bán lại chuỗi cửa hàng bách hóa BHS với giá chỉ 1 bảng Anh cho ông Dominic Chappell, một nhà đầu tư đã 3 lần bị phá sản.
Một năm sau, BHS sụp đổ, khiến 11.000 lao động mất việc làm và để lại khoản nợ lương hưu khổng lồ lên đến 571 triệu bảng Anh.