“Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK)” là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh (HS) từ năm học 2017 - 2018 do Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều chuyên gia và dư luận xã hội băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một “lệnh cấm” khó hiểu và rất mâu thuẫn khi đặt nó trong văn bản hướng dẫn dạy học theo “định hướng phát triển năng lực và phẩm chất HS” - một định hướng mới mẻ, đòi hỏi việc dạy và học phải có nhiều trải nghiệm thực tế, thay vì chỉ gói gọn trong kiến thức sách vở.
Việc dạy và học phải có nhiều trải nghiệm thực tế thay vì chỉ gói gọn trong kiến thức sách vởẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Với giáo viên tâm huyết, sách giáo khoa không bao giờ là đủ
Giáo viên (GV) dạy địa lý tại một trường THPT ở Hà Nội cho hay: SGK môn địa lý là một trong những sách lạc hậu nhất, nhiều kiến thức đã lỗi thời hàng chục năm, nếu không đưa kiến thức ngoài SGK vào dạy cho HS thì GV sẽ bị HS cười cho, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay.
Còn một GV dạy văn thì đặt câu hỏi: Không dạy ngoài SGK là như thế nào khi mà đề thi THPT quốc gia môn văn mấy năm gần đây đều có đưa văn bản ngoài SGK vào phần đọc hiểu? Nếu GV không đưa vào giờ dạy những ngữ liệu ngoài SGK thì làm sao HS có thể làm được phần thi đó?
GV này còn cho hay những GV tâm huyết và có trách nhiệm với nghề chắc chắn không ai tự giới hạn giờ dạy của mình trong SGK, bởi nếu thế chỉ việc cho HS tự đọc SGK là xong. Những gợi mở, cập nhật, bổ sung kiến thức ngoài sách vở, những bài học gắn với đời sống, thực tiễn sôi động luôn là những giờ dạy hấp dẫn học trò.
Đây cũng là ý kiến chung của rất nhiều GV. Thực tế, trong quá trình PV gặp gỡ những GV tiêu biểu trong phong trào dạy tốt, học tốt, họ cũng thường chia sẻ kinh nghiệm về việc lồng ghép những nội dung thực tế để biến các bài học khô khan trong SGK trở nên dễ hiểu hơn với từng đối tượng HS. Với yêu cầu đào tạo mũi nhọn thì đòi hỏi trên càng trở nên cấp thiết hơn, hầu như mỗi GV trường chuyên đều phải biên soạn tài liệu riêng để phù hợp với đối tượng HS “tinh hoa”.
Tại buổi tọa đàm chủ đề “Làm sao để có sách toán tốt cho HS” được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, đưa ra một thông tin đáng chú ý, bà đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến với khoảng 59 GV về SGK toán hiện hành. Kết quả, 38/59 GV khẳng định SGK hiện tại không đáp ứng được việc giảng dạy của GV, vì họ cần tới rất nhiều sách tham khảo. 69% số GV được hỏi cho rằng SGK hiện tại không thực hiện được mục tiêu phát triển năng lực tư duy toán học của HS…
Trên thực tế, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhận thấy điều này. Khi còn làm Thứ trưởng phụ trách giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Vinh Hiển đã nhiều lần bày tỏ lo ngại khi GV của chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào SGK. Và chính ông Hiển cũng thông tin rằng từ lâu Bộ khẳng định SGK chỉ là tài liệu chính để GV dùng dạy học, không phải là pháp lệnh bắt GV, HS phải nhất nhất tuân theo như trước đây. GV không phải dạy hết, dạy đủ những gì trong sách; hoàn toàn có quyền lựa chọn tài liệu để thiết kế bài giảng, trong đó có SGK.
Khi đó, ông Hiển cũng cho hay Bộ đã yêu cầu phải thay đổi sinh hoạt chuyên môn của các trường. Theo đó, tổ chuyên môn và GV được chủ động điều chỉnh nội dung, tìm phương pháp dạy học phù hợp, tạo cơ hội cho mọi HS tham gia quá trình học tập, làm cho từng bài học có chất lượng hơn. Bởi lẽ, tác giả SGK, dù có giỏi đến mấy, cũng chỉ là một người, còn GV và HS là số đông, trong đó có nhiều người rất sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, SGK chỉ là công trình, một phương án tham khảo của một nhóm tác giả. Dạy gì, dạy như thế nào (thực chất phải nói hướng dẫn, chỉ đạo như thế nào) là phải thuộc về GV. SGK hay tài liệu gì cũng chỉ là công cụ để GV sử dụng giúp HS tìm kiếm chân lý mà thôi. Vì thế, SGK nước ngoài mới đồ sộ, tập hợp tư liệu khổng lồ, nhưng chẳng ai kêu quá tải vì họ không yêu cầu dạy từng dòng, từng chữ trong SGK.
Với tất cả những phân tích nêu trên, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu “tuyệt đối không dạy nội dung ngoài SGK” từ phía Bộ GD-ĐT thực sự là khó hiểu.
Chương trình mới, vị thế của sách giáo khoa càng sẽ yếu đi GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng nêu hình dung: Khi áp dụng chương trình mới, HS có thể không chọn SGK nào, GV có thể tự biên soạn tài liệu dạy học, miễn là đáp ứng được chuẩn kiến thức kỹ năng mà chương trình đặt ra cho mỗi môn học, mỗi cấp học… Trong nhiều lần nói chuyện về đổi mới dạy học môn toán, GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đồng thời là Tổng chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết vị thế của SGK sẽ thay đổi hẳn, vai trò của SGK sẽ yếu đi rất nhiều. SGK không còn là cơ sở pháp lý duy nhất trên toàn lãnh thổ. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin, trong bối cảnh đó, cả thầy và trò có nhiều cách tìm kiếm tiếp cận thông tin. Vì vậy, SGK không còn độc tôn. SGK chỉ là một trong những kênh thể hiện chương trình, không phải là duy nhất. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng cho rằng chương trình sẽ không phải là tài liệu cứng mà có tính mở nhất định. Xu hướng đổi mới trong chương trình giáo dục là coi phát triển chương trình là hoạt động thường xuyên. Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục. |