Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 về việc "Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018"
Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục với nội dung "Thực hiện chương trình theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh" ban hành mới đây gây nhiều xôn xao trong dư luận. (Ảnh chụp màn hình) |
Một trong những nội dung của công văn gây nhiều tranh cãi của dư luận xã hội là nội dung: "Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa". Ngay sau khi công văn được ban hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Nhiều giáo viên cho rằng "lệnh cấm" này của Bộ là hoàn toàn không hợp lý bởi đối với nhiều môn, đặc biệt là môn Địa lý số liệu hay kiến thức đã... lỗi thời, từ lâu giáo viên đã phải cập nhật những số liệu mới để không bị học sinh chê cười. Trong khi đó, nếu tiếp tục sử dụng những kiến thức chỉ có trong sách giáo khoa thì chỉ đáp ứng được nội dung thi chứ khó bắt kịp với thế giới.
Bên cạnh đó, việc bó buộc nội dung chỉ học và dạy trong sách giáo khoa cũng khiến học sinh thụ động trong việc tiếp cận kiến thức. Nhiều học sinh đặt câu hỏi: "Nếu chỉ học trong sách giáo khoa thì đề thi có nằm trong kiến thức chương trình được học không? Trong khi đó, từ nhiều năm nay, đề thi các cấp đều theo xu hướng mở".
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Trước những ý kiến trái chiều gay gắt này, chiều ngày 17/10, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết việc cấm dạy ngoài sách giáo khoa chỉ là hiểu lầm.
Ông Thành lý giải, do SGK cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Ông Thành cũng cho biết, để thực hiện có hiệu quả công văn chỉ đạo của Bộ, sắp tới sẽ tiến hành tập huấn triển khai để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.