Cấm dạy thêm, học thêm tại TP HCM: Góc nhìn của người trong nghề | |
Không có chuyện buộc thôi việc giáo viên dạy thêm |
Học sinh là người trực tiếp học thêm nhưng việc đưa ra quyết định cho con em mình học thêm hay không lại xuất phát từ chính phía phụ huynh. Câu chuyện giáo dục luôn là sự tương quan qua lại giữa giáo viên và phụ huynh. Ngay từ đầu tháng 6 khi quyết định cấm dạy thêm học thêm bắt đầu được đưa ra, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, chia sẻ quan điểm xoay quanh vấn đề này.
Chuyện riêng của mỗi người
Việc cấm dạy thêm, học thêm đang là đề tài được nhiều phụ huynh chia sẻ, bày tỏ quan điểm. |
Đó là nhận định chung của nhiều phụ huynh khi bàn đến vấn đề dạy thêm, học thêm. Có con trai đang học lớp 3 và con gái đang học ở một trường mầm non tại Q. Phú Nhuận, chị Nguyễn Kim Thoa chia sẻ: “Mình thấy chuyện dạy và học là quyền riêng của mỗi người nên chuyện cấm đoán là không ổn. Chủ yếu là nhận thức từ phía cha mẹ và thầy cô mà sẽ có chuyện tiêu cực hay không thôi. Nhiều cha mẹ cứ theo tư tưởng: không đi học sợ cô đì con mình. Nhiều phụ huynh nhận thức thấy học tiểu học không cần phải học thêm nhưng lại lo nghĩ, lại muốn lấy lòng cô. Các thầy cô thì thu nhập thấp, nếu không dạy thêm họ sống sao được”.
“Nếu thực tâm phụ huynh muốn gửi cô cho kèm con mình vì con mình quá yếu và giáo viên chấp nhận kèm thêm học sinh để nâng cao thêm khả năng cho em thì học thêm không có gì xấu. Nhưng nếu dạy thêm chỉ là cho có, giáo viên lơ là thì hoàn toàn không nên. Bản thân nhà mình có chị dâu dạy tiểu học nhưng mình từng chứng kiến cách chị dạy thêm: ra một loạt bài tập xong và kiểm tra lại. Thành ra trẻ đi học thêm chỉ là ngồi đó cô cho bài và làm bài tập”, chị Thoa nhìn nhận.
Chị Thoa, chị cho biết, suốt từ khi bé học lớp 1 đến giờ đã là lớp 3, chị hoàn toàn không cho con học thêm gì mà tự dạy bé luyện chữ và cũng chẳng thấy cô giáo có biểu hiện gì o ép hay đối xử bất công với bé.
Chị Phạm Thị Thủy có con trai đang học lớp 12 một trường học ngoại thành tại TP HCM cho biết. “Mình chỉ ủng hộ dạy thêm, học thêm khi đó là nhu cầu chính đáng muốn nâng cao, cải thiện cho học sinh còn nếu như trên lớp vẫn còn trường hợp các cô giáo gợi ý học sinh học thêm, ai không học cô thiên vị thì mình hoàn toàn ủng hộ việc cấm. Không được phép đánh đồng giáo viên vì có người có tâm nhưng cũng không phủ nhận có người làm không đúng với cái tâm và trách nhiệm của mình”.
“Bản thân con mình năm lớp 10 từng theo học một cô không phải cô dạy trên lớp chính của con mình. Một hôm mình có nghe bé nói là con không đi học cô kia nữa vì cô trên lớp nói với các bạn là con chê cô dạy dở không học cô. Thực sự giai đoạn đó mình cũng khá đau đầu và phải tìm gặp cô nói chuyện. Thực ra mình nghĩ lệnh cấm đôi khi lại tốt với những giáo viên thiếu cái tâm như thế!”, chị Thủy chia sẻ.
Việc cấm dạy thêm, học thêm tại TP HCM đang có nhiều ý kiến trái chiều. |
Cũng về vấn đề trên, anh Trần Đình Khuyến (hiện có hai con đang học cấp 2 và cấp 3) cho biết: “Con trai tôi học năm cuối của trường Phổ Thông Năng Khiếu và con gái đang học một trường cấp 2 tại Tân Bình. Hai cháu đều có học lực khá giỏi nhưng tôi vẫn cho cháu học thêm không phải vì thầy cô mà tôi xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân các cháu. Các cháu đều mong muốn được học nâng cao hơn. Với bé đầu, tôi chỉ cho cháu học thêm học kỳ 1 lớp 10, khi cháu vừa đậu Năng Khiếu vì lo cháu không theo kịp các bạn. Thế nhưng sau một học kỳ cháu học ổn và từ đó đến nay cháu không học thêm nữa bởi kiến thức các thầy cô bên trường trang bị rất tốt. Với bé nhỏ, tôi hiện đang cho cháu học thêm ở trung tâm gần nhà chứ không phải học thêm thầy cô nào trên lớp cả. Mục tiêu của cháu là học để vào được trường chuyên như anh cháu”.
Anh Khuyến cũng nhận định việc cấm học thêm vẫn là không nên bởi: “Học sinh có đứa kém đứa giỏi. Các cháu kém thì nhu cầu kèm thêm là tất yếu. Các cháu giỏi cũng có nhu cầu học thêm để giỏi hơn. Vậy nên việc cấm có tác dụng với những trường hợp tiêu cực nhưng vô tình lại ảnh hưởng nhiều đến các giáo viên có tâm và học sinh xuất phát từ nhu cầu thực”.
Đừng chú trọng đến hiện tượng mà bỏ quên bản chất!
Nhiều giáo viên cho rằng, việc cấm dạy thêm, học thêm sẽ ảnh hưởng đến các em học sinh. Đặc biệt là học sinh cấp 3, khi phải chuẩn bị kiến thức cho các kì thi quan trọng. |
Trao đổi với PV Việt Nam Mới, Th S. Đàm Thị Thu Hương, Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm TP HCM nêu quan điểm: “Theo tôi, bản chất việc học thêm dạy thêm không hề xấu, việc một số thầy cô giáo dùng hình thức dạy thêm học thêm vào mục đích cá nhân chỉ là hiện tượng và chiếm giữ một bộ phận nhỏ nào đó. Thế nên nghiêm cấm việc học thêm dạy thêm nghĩa là ta chỉ chú trọng đến hiện tượng mà bỏ quên bản chất. Nhu cầu học tập mở mang kiến thức là nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của tất cả mọi người. Khi mà việc giảng dạy luôn chạy theo số tiết, chạy theo thi cử và kiểm tra thì người giáo viên khó có đủ thời gian và công sức để mở rộng, đào sâu kiến thức cho học sinh giỏi; củng cố luyện tập cho những học sinh yếu kém. Việc học thêm sẽ xuất hiện như một nhu cầu tất yếu của cả phụ huynh lẫn học sinh.”.
“Việc đưa ra đề xuất bao giờ cũng đơn giản nhưng thực thi như thế nào cho có hiệu quả mới là bài toán nan giải. Nhà trường và địa phương không đủ điều kiện và phương cách để rà soát việc dạy thêm của tất cả thầy cô. Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nó không dành chỗ cho những hành động thiếu tôn trọng như thế. Đó là chưa kể đến việc, xem dạy thêm học thêm là hiện tượng tiêu cực để rồi loại trừ và tẩy chay nó thì tiêu cực này chưa mất đi, tiêu cực khác sẽ xuất hiện”, Th S. Đàm Thị Thu Hương nói.
Ở góc độ người làm công tác giáo dục, đào tạo, Th S. Đàm Thị Thu Hương tâm sự: “Phần đạo đức nghề nghiệp này cần được bồi dưỡng từ những năm tháng ngồi ghế giảng đường. Từ vị trí của một người thầy sẽ dạy nhiều lớp sinh viên ra trường trở thành những thầy cô giáo tương lai, tôi thiết tha mong mỏi học trò của mình luôn giữ mãi cái tâm trong sáng thanh cao của nghề dạy học”.