Cảm động bài thơ 'Em! Cô giáo mầm non' động viên đồng nghiệp yêu nghề

Giữa “tâm bão” về việc trẻ bị bạo hành tại mầm non Mầm Xanh khiến phụ huynh có cái nhìn “soi mói”, một cô giáo ở TP HCM đưa bài thơ tự cô sáng tác tên “Em! Cô giáo mầm non” lên Diễn đàn giáo viên động viên đồng nghiệp thêm yêu nghề.
 

Cô giáo sáng tác bài thơ “Em! Cô giáo mầm non” đó là cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên mầm non tại TP HCM. Cô Hương kể, cô có bằng kế toán nhưng “rẽ ngang” nghề giáo viên mầm non bởi tình yêu thương với trẻ em.

cam dong bai tho em co giao mam non dong vien dong nghiep yeu nghe
Cô giáo Hương đã có 6 năm làm giáo viên mầm non tại TP HCM, tác giả bài thơ "Em! Cô giáo mầm non". Ảnh: NVCC

“Mình học kế toán sau đó đi làm một thời gian. Do một phần công việc cũng chật vật nên mình có xin chăm sóc trẻ. Chính trong quá trình chăm sóc các bé, mình nhận thấy đây là công việc yêu thích, được sống lại với tuổi thơ khi còn đi học nên mình quyết định học thêm hệ trung cấp mầm non để chính thức chăm sóc, dạy dỗ trẻ”, cô giáo Hương nói về nghề.

Đến nay, cô Hương đã có 6 năm công tác trong nghề giáo viên mầm non tại một trường ở TP HCM. Mặc dù việc chăm sóc dạy dỗ các bé vô cùng vất vả như trẻ khóc nhiều một lúc không thể dỗ dành hết, trẻ ăn ói vào ngườithậm chí là "bậy" lên người cô là việc... bình thường. Tuy nhiên, cô Hương chưa bao giờ nản lòng mà vững tin vào nghề mình chọn.

Nói về bài thơ “Em! Cô giáo mầm non” do mình sáng tác, cô Hương kể đó là một sự tình cờ. Khi trong lớp cô đón một học trò mới, trưa bé không ngủ được nên cô Hương lặng nhìn theo bé. Chính hình ảnh bé trong giây phút ngày đầu đến lớp và công việc hằng thế nào đã cho cô Hương “mạch cảm xúc” để viết thành bài thơ.

“Bài thơ sau khi hoàn thành, mình có đưa cho mẹ xem, mẹ mình khen bài thơ không cầu kì, giản dị, hay khiến mình hạnh phúc lắm! Vừa qua trẻ mầm non bị bạo hành, mình thấy nhiều đồng nghiệp cũng “than” về nghề lắm. Mình đăng bài thơ mong muốn động viên mọi người cùng cố gắng vượt qua áp lực dư luận để tiếp tục chăm sóc trẻ thật tốt!”, cô Hương giãi bày.

Sau khi cô Hương đăng tải bài thơ trên lên Diễn đàn giáo viên mầm non, hàng trăm đồng nghiệp đã bày tỏ cảm xúc rất thích, khen "viết đúng quá!" hay "viết hay quá, cảm ơn em nói hộ tấm lòng các cô" về nghề giáo viên mầm non.

cam dong bai tho em co giao mam non dong vien dong nghiep yeu nghe
Các bé trong lớp cô giáo Hương đang chăm sóc, dạy dỗ. Ảnh: NVCC

Được sự đồng ý của cô Hương, chúng tôi xin đăng tải bài thơ như sau:

Em! Cô giáo mầm non

"Em vào nghề

Khi vừa tròn 21

Thấm thoắt đã 6 năm

Ai cũng hỏi

Em có chồng hay chưa?

Em trả lời

Em chưa chồng

Nhưng là mẹ

Của một đàn con nhỏ

Đứa tập bò

Đứa tập đi

Đứa bi bô

Ê a tập nói

Nghĩ lại ai cũng cười

Xưa ghét con nít lắm cơ

Thích cô giáo thướt tha áo dài

Ừ thì cũng làm cô giáo

Nhưng không thướt tha với tà áo

Mà xắn quần xắn áo

Quay cuồng đủ thứ các công việc

Ôi ! Nghề mình

Ai cũng là siêu nhân

11 tiếng luôn tay chân

Vừa phải dỗ dành khi con khóc

Vừa phải phân xử khi con tranh cãi

Giành đồ chơi, đánh bạn giải quyết ngay

Vừa lo ăn, vừa lo ngủ

Khi con tè ị, cũng kham

Trưa ngủ cũng chẳng yên

Học trò mới ngủ khóc gọi mẹ

Cô dỗ dành hát à ơi

Con ho, con sốt cô chăm suốt

Sáng tới trường, xinh tươi như hoa nắng

Chiều, đầu bù tóc rối hóa hoa tàn

Bao nhiêu cực nhọc có xá chi

Nhưng hễ có tí điều sơ suất

Ba mẹ la, ông bà nói đủ điều

Một con sâu làm rầu

Cả xã hội lên án

Bao nhiêu tủi uất, nghẹn trong lòng

Nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả

Nhìn đàn con nhỏ ngây thơ

Như có sợi dây níu tay em lại

Nghĩ nghề mình cũng có niềm vui

Cứ tận tâm hết mình là đủ

Rồi mọi người sẽ hiểu thôi

Ai hỏi em làm nghề gì ấy ạ

Em trả lời Em! Cô giáo mầm non

Làm mẹ của cả một đàn con…"

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.