Cấm xe máy, phát triển xe buýt, tàu điện: Hướng tất yếu để cải thiện giao thông đô thị

Các chuyên gia cho rằng giao thông công cộng là hướng đi của đô thị với năng lực vận chuyển cao, chi phí rẻ.

IMG_3616

Phương tiện cá nhân và chủ yếu là xe máy đang chiếm tỉ lệ rất lớn trong vận tải ở Hà Nội. (Ảnh: Di Linh).

Dừng hoạt động xe máy, phát triển vận tải công cộng

Ngày 9/9/2019, Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020.

Theo đó, tới năm 2020, TP Hà Nội đề ra mục tiêu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng chiếm 20-25%, trong đó, đường sắt đô thị chiếm từ 1-3%.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đưa ra các giải pháp như phát triển vận tải hành khách công cộng, thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực, tiến tới dùng hoạt động xe máy...

Cụ thể, đối với vận tải công cộng, Hà Nội sẽ nghiên cứu kết nối xe buýt với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; tổ chức trông giữ phương tiện cá nhân để người dân sử dụng đường sắt đô thị và BRT.

Hà Nội cũng nghiên cứu minibus để tăng khả năng tiếp cận của xe buýt; triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng.

Bên cạnh đó, với xe buýt, Hà Nội dự kiến mở rộng vùng phục vụ; tăng từ 46 lên 51 tuyến vào năm 2020.

Theo Sở GTVT Hà Nội, TP hiện đang có trên 6 triệu phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu là xe máy.

"Với tình hình phát triển kinh tế xã hội cùng với nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng trong khi xe máy là loại phương tiện phù hợp với đa số tầng lớp dân cư đô thị, dẫn đến nguy cơ tăng trưởng "nóng" xe máy trong tương lai ngày càng cao hơn nữa", Sở GTVT Hà Nội cho biết.

Sở này cũng thông tin rằng hạ tầng giao thông của TP dù đã được quan tâm đầu tư nhưng không theo kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân.

Cụ thể, hiện nay trên địa bàn TP có trên 4.000 km đường, trong đó có 2.052km đường đô thị; diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8,65% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 16-26%), chiếm dụng của phương tiện giao thông đã vượt năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông.

Từ thực trạng trên, Sở GTVT Hà Nội cũng đang xây dựng đề án phân vùng hoạt động, tiến tới dừng hoạt động xe máy vào năm 2030.

Trong đó, mục tiêu là đưa ra phạm vi, lộ trình phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông cộng cộng, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

IMG_3819

Vận tải công cộng là hướng đi cải thiện giao thông đô thị. (Ảnh: Di Linh).

Vận tải công cộng là hướng đi cải thiện giao thông đô thị

Đối với vấn đề phát triển vận tải công cộng, TS Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt Nhật, cho rằng chúng ta có ưu tiên về trợ giá nhưng chưa có quyền ưu tiên lưu thông trên đường cho loại hình này.

Ông Bình cũng nêu ví dụ về việc làn riêng cho xe buýt nhanh đang bị hàng loạt các phương tiện lấn chiếm kể cả vào khung giờ đường thông hè thoáng.

"Giao thông công cộng có điểm yếu là phải đi bộ, dùng phương tiện chuyển đổi nhưng chiếm ít mặt đường và có ý nghĩa lớn", TS Bình cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị cũng khẳng định việc có làn đường riêng sẽ giúp xe buýt tăng tốc độ lưu hành, giảm thời gian chuyến đi, giảm xung đột và đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh ùn tắc giao thông đô thị.

"Hiện nay, vận tải công cộng là hướng trong việc cải thiện giao thông đô thị.

Chúng ta biết rằng, giao thông đô thị muốn cải thiện được, lối ra bền vững hiệu quả nhất là phát triển giao thông công cộng.

Quĩ đất đô thị có hạn, cùng với sự gia tăng dân cư, áp lực giao thông tăng lên trong nền tảng quĩ đất đô thị hạn chế, không loại hình nào có thể tải nổi.

Giao thông công cộng nặng lực vận chuyển cao, chi phí rẻ hơn", ông Hải cho hay.

Theo vị này, để vận tải công cộng trở thành vai trò chủ đạo thì có nhiều giải pháp là tăng chất lượng, cải thiện mạng lưới, tăng đầu phương tiện, tổ chức giao thông thông suốt.

DSC06662

Đường sắt đô thị với khả năng chuyên chở lớn (>30.000 HK/giờ/hướng), là xương sống chủ yếu của hệ thống VTHKCC. (Ảnh: Di Linh).

Giao thông công cộng ở Hà Nội sẽ có gì?

Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực hạn chế hoạt động của xe máy, Sở GTVT Hà Nội xác định cần phát triển hệ thống vận tải công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, minibus, BRT, đường sắt đô thị và các loại phương tiện vận tải hành khách hỗ trợ khác taxi, xe họp đồng đến 9 chỗ, xe đạp công cộng.

Cụ thể, xe buýt: Đóng vai trò chủ đạo đến khi hệ thống VTHKCC khối lượng lớn (đường sắt đô thị, BRT) hoàn thiện mạng lưới theo Qui hoạch (dự kiến sau năm 2030).

Xe buýt có nhiệm vụ bao phủ, đảm bảo tiếp cận của người dân đến hệ thống VTHKCC, giải quyết các chuyến đi liên vùng, các chuyến đi nội bộ trong khu vực; hỗ trợ gom khách cho các tuyến VTHKCC khối lượng lớn khi hình thành. Qui mô đến năm 2030 phát triển 180 tuyến, 2.700 phương tiện.

Minibus hoạt động trong khu vực hạn chế về điều kiện hạ tầng (mặt cắt ngang đường nhỏ hẹp), gom khách cho các tuyến VTHKCC bằng xe buýt, tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống giao thông công cộng tới người dân.

Xe buýt nhanh BRT kết nối khu vực trung tâm với các khu đô thị vệ tinh trên các hành lang vận tải lớn. Qui mô đến năm 2030 phát triển 08 tuyến.

Đường sắt đô thị với khả năng chuyên chở lớn (>30.000 HK/giờ/hướng), là xương sống chủ yếu của hệ thống VTHKCC, đảm nhiệm vận tải hành khách trên các trục chính có nhu cầu đi lại lớn.

Xe taxi, xe hợp đồng giải quyết một phần nhu càu đi lại của người dân, hỗ trợ cho hoạt động VTHKCC.

Xe đạp công cộng giải quyết các chuyến đi ngắn, hỗ trợ mạng lưới VTHKCC, góp phần tạo thói quen sử dụng VTHKCC.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.